Thứ bảy, 22/10/2022 14:37

Diễn đàn Franconomics IV 2022: Xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Ngày 21/10/2022, trong khuôn khổ Diễn đàn Franconomics IV 2022, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng IFI cho biết, Hội thảo tập trung chia sẻ các vấn đề về tình hình biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các nước đang phát triển, mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu. Hội thảo quy tụ các học giả, các nhà nghiên cứu và quản lý trong nước và quốc tế, hướng đến mục tiêu làm rõ tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu với ngành sản xuất lương thực hiện nay tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung.

Ông Hervé Conan - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Hà Nội cho rằng, hiện nay là thời điểm quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai, hướng đến phát thải ròng bằng “0” bởi Việt Nam là 1 trong 5 nước có vùng duyên hải đang bị đe dọa trước những biến đổi khí hậu khi lượng khí thải CO2 tăng và mực nước biển có nguy cơ dâng cao. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với đại diện các nước châu Âu và Vương quốc Anh để xây dựng những dự án thúc đẩy việc thực hiện cam kết trong Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) và làm những cam kết mới trong COP 27 sắp diễn ra, nhằm đạt được mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045, và phát mức thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để thực hiện những mục tiêu đó, theo ông Hervé Conan, không chỉ Việt Nam nói riêng mà các nước trên thế giới nói chung cần phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực. Thông qua việc gặp gỡ nhân dân, chính quyền địa phương, từ đó, tìm ra giải pháp hữu hiệu cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, vì chính người dân là những người đã phải chịu những tác động của thiên tai như bão lũ gây ra, đặc biệt là nhân dân miền Trung.

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã chia sẻ các vấn đề về tình hình biến đổi khí hậu và an ninh lương thực tại các nước đang phát triển, mối quan hệ giữa an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực đô thị trong thời đại môi trường dễ bị tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp/nuôi trồng thủy sản, hệ thống lương thực toàn cầu và tác động đối với biến đổi khí hậu. Từ đó, nhiều giải pháp, mô hình phù hợp để áp dụng hướng đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam được đưa ra thảo luận.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)