Thứ năm, 20/10/2022 10:05

Tọa đàm Việt Nam - Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0

Ngày 19/10/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Đại học RMIT và Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đã đồng tổ chức Tọa đàm Việt Nam - Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0.

Việc thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh vào việc nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học; hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác công - tư nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cũng như đưa nghiên cứu vào ứng dụng. Thương mại hóa nghiên cứu là con đường ngắn nhất và hiệu quả cao trong việc đưa tri thức từ các trường đại học vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN Đinh Hữu Phí, việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ cho phép Việt Nam đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu, thu hút các cơ hội đầu tư và phát triển mới. Tuy nhiên, để thương mại hóa nghiên cứu thực hiện chức năng chuyển hóa tài sản vô hình thành tài sản hữu hình và lợi nhuận để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu thì điều cần nhất vẫn là vai trò chủ động của các chủ thể có quyền sở hữu. Một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có sáng chế, phải sớm thực hiện các thủ tục xác lập quyền, có như vậy họ mới được độc quyền khai thác và thương mại hóa các tài sản này. Kiến thức cơ bản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và việc sử dụng đúng công cụ sở hữu trí tuệ vào đúng thời điểm là nền tảng quan trọng góp phần đem đến thành công cho việc thương mại hóa nghiên cứu.

Phó giám đốc Đại học RMIT, GS Calum Drummond đã chia sẻ kinh nghiệm của trường trong việc hợp tác với doanh nghiệp về thương mại hóa nghiên cứu cũng như hoạt động của Phân viện STEM. Ông đã đề cập đến những thách thức và bài học kinh nghiệm từ Australia về sở hữu trí tuệ trong thương mại hóa nghiên cứu. GS cũng cho biết, trong 6 năm qua, RMIT đã luôn trên hành trình đảm bảo các hoạt động nghiên cứu của trường ngày càng phù hợp với thế giới bên ngoài môi trường học thuật. Ngoài việc tạo tác động trong cộng đồng học thuật, thông qua việc thực hiện các nghiên cứu xuất sắc, công bố và phổ biến kiến thức mới, trường còn áp dụng nhiều phương cách khác nhau để đưa các kết quả nghiên cứu khả quan ra thế giới bên ngoài chứ không chỉ giới hạn trong giới học thuật.

Tham tán Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Giám đốc Chương trình Aus4Innovation thuộc Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Kim Wimbush bày tỏ sự vui mừng khi thấy hợp tác chiến lược giữa RMIT - trường đại học hàng đầu của Australia và VISTI - cơ quan tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN. Ông nhận thấy nỗ lực rất lớn từ RMIT và VISTI để thiết lập một nền tảng nhằm thu hút nhiều đối tượng khác nhau từ cả Australia và Việt Nam vào hệ sinh thái này để hợp tác và tận dụng tốt nhất các cơ hội có được từ Công nghiệp 4.0.

Trong khuôn khổ sự kiện, các bên còn công bố giới thiệu Nền tảng liên kết đổi mới sáng tạo RMIT-VISTI (ICP) nhằm cung cấp các giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo và quản trị. RMIT và VISTI sẽ đóng vai trò cung cấp giải pháp và nghiên cứu khoa học dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)