Thứ tư, 12/10/2022 08:51

Tập huấn Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và Hạ tầng chất lượng quốc gia

Ngày 11/10/2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã phối hợp với Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID TFP) tài trợ đã tổ chức buổi tập huấn về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) và Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI).

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc buổi tập huấn.

Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TĐC Hà Minh Hiệp cho biết, Tổng cục TĐC với lịch sử hình thành và phát triển 60 năm, với khoảng 1.800 công chức, viên chức và người lao động làm việc, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để phù hợp với xu thế quốc tế, cần sự hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài, đặc biệt là sự hỗ trợ của Dự án USAID TPF. Năm 2021, Tổng cục TĐC đã đặt ra hai vấn đề là vấn đề Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia và vấn đề Hạ tầng chất lượng quốc gia. Hai vấn đề tưởng như rất mới nhưng không hề mới, điểm mới chính là về nhận thức và tiếp cận, và ngược lại điểm không mới chính là vấn đề này đã được làm suốt 60 năm nay. Tổ chức USAID TFP cũng như một số tổ chức khác cũng đã có sự hỗ trợ TĐC.

Giám đốc Dự án USAID TPF Claudio Dordi chia sẻ tại buổi tập huấn.

Tại buổi tập huấn, Giám đốc Dự án USAID TPF Claudio Dordi chia sẻ, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những sáng kiến để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam (Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022), trong đó tập trung vào việc đơn giản hoá kiểm tra chuyên ngành. Sau nhiều năm thực hiện các hoạt động đó thì số lượng hàng hoá cần kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu vẫn còn rất cao (chiếm 19,1% số lượng hàng hoá nhập khẩu). Như vậy, tỷ lệ này rất cao so với tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù vấn đề chính là những vấn đề về thể chế, nên cần đơn giản hoá các khung pháp lý về quản lý kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ Việt Nam nhận thấy cần thiết phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, trong đó có Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng áp dụng quản lý chuyên ngành cũng như tăng cường mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp và chuyển dần sang hậu kiểm.

Trong khuôn khổ buổi tập huấn, chuyên gia Dự án USAID TFP Kees R. Jonkheer cũng đã chia sẻ về đào tạo và thực hiện NQI - Liên quan đến Chính sách Chất lượng quốc gia (NQP), theo đó, mục tiêu dự án về NQI và đánh giá công tác thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm hàng, hàng hóa (LPQG) là hỗ trợ Tổng cục TĐC rà soát khung pháp lý về quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa, xây dựng NQI và LPQG của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam. Đồng thời, đã đưa ra cách để khu vực tư nhân tham gia xây dựng NQI ở Việt Nam đó chính nâng cao nhận thức của khu vực tư nhân là điều quan trọng để tăng mức độ quan tâm, giúp các tiêu chuẩn phù hợp hơn, đồng thời sử dụng và vận hành NQI hiệu quả hơn.

Hà My

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)