Thứ ba, 04/10/2022 02:14

Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới: Góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại

Ngày 3/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021-2025. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, Chương trình đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững…

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới phát biểu tại Hội nghị.

Chia sẻ về những thành tựu của Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đạt được trong giai đoạn 2016-2021, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian qua, Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Chương trình đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát các mô hình tổ chức xã hội nông thôn ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; những bài học kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời gian qua để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, lộ trình, vai trò của các chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam gắn với đô thị hóa văn minh trong hội nhập quốc tế đến năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo. Điểm nổi bật là các kết quả nghiên cứu vừa có tính khái quát toàn diện, vừa chuyên sâu vào một số lĩnh vực của nông thôn mới. Đã xem xét các mô hình, bài học kinh nghiệm từ góc nhìn có tính phản biện của khoa học về toàn bộ nội hàm nông thôn mới gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Các nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần vào định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khung Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chương trình đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới. Cụ thể đã có 5 nhóm chính sách trọng tâm được Chương trình huy động nghiên cứu và có các đề xuất hoàn thiện gồm: (i) Dịch chuyển lao động nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính sách tạo việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn; (ii) Phát triển sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết chuỗi giá trị, kinh tế chia sẻ, khởi nghiệp ở nông thôn và đổi mới hợp tác xã; (iii) Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và khuyến khích ứng dụng công nghệ đồng bộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở cấp huyện; (iv) Phát triển nông thôn mới bền vững, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với các mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp - du lịch sinh thái, bảo vệ tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng; (v) Huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân thông qua các doanh nghiệp, cộng đồng nông thôn và các tổ chức đoàn thể của người dân.

Bên cạnh đó, Chương trình đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN để xây dựng nông thôn mới: trọng tâm đề xuất các giải pháp trong các nhiệm vụ được chia thành 3 nhóm, gồm: (i) Thể chế, tổ chức xã hội và văn hóa trong xây dựng nông thôn mới gắn với công nghiệp hoá, đô thị hoá; (ii) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và dịch chuyển lao động trong xây dựng nông thôn mới; (iii) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông thôn mới theo hướng bền vững. Các giải pháp được đề xuất nằm chung trong 160 nhóm đề xuất chính sách, hoàn thiện và chuyển giao gần 100 quy trình sản xuất, công nghệ mới như: Nghiên cứu xây dựng hệ thống nuôi tôm trong nhà (ISPS) theo công nghệ Nhật Bản ở khu vực miền Bắc; Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản bền vững bảo vệ môi trường nước, phát triển sinh kế, nâng cao đời sống cư dân lòng hồ Hoà Bình, Sơn La, Núi Cốc; Giải pháp khoa học, công nghệ và mô hình nuôi trồng thủy hải sản bền vững vùng biển Kiên Giang…

Ngoài ra, Chương trình đã xây dựng nội dung và tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực nắm bắt, ứng dụng KH&CN cho các đối tượng có liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyển giao công nghệ, nông dân và doanh nghiệp. Chương trình đã bố trí có các nội dung tập huấn, đào tạo cho cán bộ, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã. Nhờ đó, đã tổ chức được trên 350 lớp/đợt tập huấn các loại, xây dựng được hàng trăm bộ tài liệu kỹ thuật (được các cơ quan chuyên môn, địa phương phê duyệt); có trên 11.000 lượt/người được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, quản lý (bao gồm cán bộ xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, cán bộ hợp tác xã, công nhân kỹ thuật, nông dân…).

Đặc biệt, Chương trình đã tạo được cơ chế phối hợp, thu hút đông đảo lực lượng KH&CN thuộc nhiều chuyên ngành của cả nước. Cán bộ KH&CN thuộc các lĩnh vực đã trực tiếp tham gia Chương trình là thành viên chính của các đề tài, dự án. Số thành viên trên đại học là hơn 900, trong đó có 103 GS, PGS, 342 tiến sỹ. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cán bộ KH&CN khác tham gia Chương trình, các cán bộ KH&CN đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do yêu cầu của thực tiễn và với quan điểm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, do vậy nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vừa phải tiếp tục thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (là những địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội), đồng thời vừa tập trung nâng cao chất lượng của các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa khu vực này phát triển lên tầm cao mới là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu… Trước yêu cầu đó, các chuyên gia cho rằng, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục nghiên cứu về luận cứ khoa học, thực tiễn để đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN, các mô hình ứng dụng mang tính tổng hợp, đa ngành, liên ngành, những vấn đề mới trên cơ sở kế thừa và tích hợp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển, ứng dụng công nghệ từ các chương trình KH&CN có liên quan, đồng thời nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng nông thôn mà các chương trình KH&CN khác còn chưa hoặc ít đề cập.

CT

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)