Thứ sáu, 09/09/2022 09:16

SDMD 2045: Góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

GS.TS Hà Thanh Toàn

Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ

Tại Hội nghị Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ III được tổ chức ngày 13/03/2021 tại TP Cần Thơ (phục vụ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH), Trường Đại học Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ giao đăng cai tổ chức Diễn đàn thường niên về “Đối thoại khoa học phát triển bền vững ĐBSCL”. Theo đó, Diễn đàn “Phát triển bền vững ĐBSCL - Tầm nhìn 2045 (SDMD 2045)” (https://sdmd2045.ctu.edu.vn/) đã được xây dựng và triển khai, tích hợp nhiều hoạt động hợp tác năng động trong nước và quốc tế nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL và hội nhập thế giới, hướng đến tầm nhìn 2045. Ngày 30/10/2022, Diễn đàn quốc tế đầu tiên SDMD 2022 sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ.

Là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của cả nước; ĐBSCL có vai trò quan trọng trong xuất khẩu lương thực, thủy sản cho thị trường thế giới. Trước thách thức của BĐKH, nước biển dâng và thay đổi dòng chảy sông Mê Kông cũng như nhu cầu phát huy thế mạnh để phát triển thịnh vượng, Nghị quyết số 120 của Chính phủ (ngày 17/11/2017) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã xác định mục tiêu đến 2050 “ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ (KH&CN), y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp”.

Ngày 12/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH (trong đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ là thành viên Hội đồng điều phối của vùng, đại điện cho cơ sở đào tạo và KH&CN.

Ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Sứ mệnh của Trường là trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của đất nước; là nhân tố, động lực có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của vùng ĐBSCL, phấn đấu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được ghi nhận trong khu vực và thế giới.  Hiện nay, Trường có 16 đơn vị đào tạo, thực hiện đào tào 109 ngành bậc đại học, 48 ngành bậc cao học và 19 ngành bậc tiến sĩ, với tổng số 44.500 sinh viên và 2.500 học viên sau đại học. Đặc biệt, Trường đang tích cực triển khai Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2015-2022 (do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA hỗ trợ với sự phối hợp của 9 trường đại học đối tác Nhật Bản) nhằm nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan. Với thành tựu của Nhà trường qua 56 năm hình thành và phát triển, trong bối cảnh mới, Trường Đại học Cần Thơ đang tiếp tục nỗ lực mọi mặt, nhằm phát triển thành trung tâm động lực, tinh hoa, đặc thù và tin cậy trong giáo dục đào tạo, KH&CN, quan hệ đối ngoại và phục vụ cộng đồng vùng ĐBSCL, quốc gia và thế giới.

SDMD - kết nối để phát triển

Với mục tiêu kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, nhằm đánh giá hiện trạng, tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ sẽ chủ trì tổ chức Diễn đàn về “Phát triển bền vững ĐBSCL - Tầm nhìn 2045 (SDMD 2045)” thường kỳ 2 năm/lần.

SDMD 2045 được xây dựng và triển khai theo các hướng: (i) phát huy vai trò và thế mạnh của Trường Đại học Cần Thơ, đặc biệt là nhân lực, cơ sở vật chất, sản phẩm KH&CN thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kết nối với đối tác trong và ngoài nước cho hợp tác phát triển vùng ĐBSCL; (ii) phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp, công ty trong hợp tác phát triển; (iii) phát huy vai trò của Nhà nước trong định hướng chiến lược và tạo môi trường thể chế thuận lợi để tạo động lực phát triển; (iv) thu hút và đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong chương trình, dự án phát triển ĐBSCL; (v) địa phương thụ hưởng chính là ĐBSCL; (vi) hợp tác phát triển liên ngành, liên vùng, liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh; (vii) hợp tác đa bên liên quan, gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất - kinh doanh, nhà đầu tư, tài trợ…; (viii) các vấn đề nổi bật được chú trọng trong liên kết phát triển là thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; nhân lực và giáo dục; phát triển bao trùm và bền vững; và phát huy các đặc trưng của ĐBSCL.

SDMD 2045 lần đầu tiên được tổ chức ngày 30/10/2022 (SDMD 2022) tại Cần Thơ tập hợp nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà đầu tư trong nước và quốc tế để kết nối, chia sẻ thông tin và đề xuất chủ trương, giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Diễn đàn cũng tạo cơ hội kết nối, xúc tiến các chương trình, dự án hợp tác giữa các đối tác trong nước và quốc tế. SDMD 2022 có chủ đề: “KH&CN: Động lực cho đổi mới và phát triển bền vững”. Các nội dung quan trọng của Diễn đàn SDMD 2022 là: (i) Nguồn nhân lực KH&CN ở ĐBSCL, (ii) Nông nghiệp - thủy sản công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp - thủy sản, (iii) Kinh tế biển và kinh tế tuần hoàn, (iv) Biến đổi khí hậu; (v) Chuyển đổi số trong phát triển bền vững ĐBSCL.

Bên cạnh Diễn đàn quốc tế tổ chức định kỳ 2 năm, trong khuôn khổ SDMD 2045, các tọa đàm chuyên đề hàng quý đã và đang được tổ chức trực tuyến, kết nối các cơ quan/các tỉnh ĐBSCL và bộ/ngành, doanh nghiệp, viện/trường, tổ chức quốc tế. Các chuyên đề năm 2022 gồm: (i) Nông nghiệp, (ii) Thủy sản, (iii) Môi trường - Tài nguyên thiên nhiên - Biến đổi khí hậu, và (iv) Chuyển đổi số. Các hoạt đông tọa đàm trực tuyến thu hút đông đảo người tham dự và trao đổi hiệu quả.

Trong thời gian qua, nhiều chương trình/dự án quốc tế và trong nước được triển khai do Trường Đại học Cần Thơ làm cầu nối, chủ trì, có mục tiêu quan trọng chung là phục vụ “Phát triển bền vững ĐBSCL”, điển hình là các dự án: “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản ĐBSCL” trong khuôn khổ Chương trình “Dự án nông nghiệp và thực phẩm” (gọi tắt là MAIC-RAF)  do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung - CSIRO (Úc) tài trợ; “Phát triển các chương trình đào tạo sáng tạo đa cấp độ cho các chuyên ngành mới về nguồn nước ở Đông Nam Á (INOWASIA) do Chương trình Erasmus+ của Ủy ban châu Âu tài trợ; “Quản lý bền vững ven biển và đồng bằng cho vùng Đông Nam Á (MARE)” do Chương trình Erasmus+ của Ủy ban châu Âu tài trợ; “Phát triển chương trình đào tạo lĩnh vực khoa học phân tử và vật liệu theo định hướng nghiên cứu (MOMA)” do Chương trình Erasmus+ tài trợ; Đề án “Khảo sát phân bón trên cây trồng và sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ ở ĐBSCL” do Yanmar Co.LTD (Nhật Bản) tài trợ… Bên cạnh đó, SDMD 2022 còn tạo dựng các hoạt động hợp tác giữa các đối tác cùng đồng hành trong khu vực, từ đó xúc tiến xây dựng và triển khai các chương trình, dự án phát triển cho vùng.

Với sứ mệnh, vai trò và năng lực của Trường Đại học Cần Thơ cùng sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các đối tác trong nước và quốc tế…, Diễn đàn SDMD 2045 do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì sẽ là cầu nối, động lực mới cho phát triển bền vững ĐBSCL; đồng thời từ ĐBSCL lan tỏa hội nhập cùng thế giới trong bối cảnh mới.

Tọa đàm trực tuyến về Nông nghiệp (tháng 03/2022)

Tọa đám trực tuyến về Thủy sản (tháng 06/2022)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)