Hiện trạng phát sinh và xử lý CTR chăn nuôi
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2021, cả nước 23.662 trang trại nông nghiệp, trong đó có 13.752 trang trại chăn nuôi (chiếm khoảng 58,1%), bao gồm: 1.627 trang trại chăn nuôi lợn trên 1.500 con; 61 trang trại chăn nuôi bò trên 300 con.... Bên cạnh các mô hình chăn nuôi tập trung, trên phạm vi toàn quốc còn có khoảng 12 triệu hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình..., nhờ vậy, sự phát triển của lĩnh vực chăn nuôi đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung cho cả nước.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi ở Việt Nam còn chưa hiệu quả, các cơ sở chăn nuôi hầu hết là cơ sở nhỏ, lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phần lớn đều chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý mùi hôi, thu gom và xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường xung quanh, dẫn đến khiếu kiện của người dân trong khu vực. Nhiều cơ sở đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học… Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp này đều chưa xử lý triệt để các thành phần ô nhiễm.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, đến nay, lượng CTR phát sinh từ các hoạt động chăn nuôi ở nước ta ước tính khoảng 90 triệu tấn/năm (thống kê đối với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm); trong giai đoạn từ năm 2016-2020, trung bình mỗi năm lượng CTR chăn nuôi tăng khoảng 3,0%. Trong tổng số 90 triệu tấn CTR chăn nuôi, nguồn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi bò là 21,44 triệu tấn (chiếm 23,83%), chăn nuôi trâu là 13,19 triệu tấn (chiếm 14,66%), chăn nuôi lợn là 19,10 triệu tấn (chiếm 21,23%) và chăn nuôi gia cầm là 36,21 triệu tấn (chiếm 40,25%). Mặc dù trong bối cảnh tác động của dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm, tác động từ dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động phát triển chăn nuôi, nhưng lượng CTR chăn nuôi ở nước ta vẫn gia tăng hàng năm (khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016-2020).
Về công nghệ xử lý CTR chăn nuôi, theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, tỷ lệ trang trại chăn nuôi thực hiện xử lý CTR tương đối cao (khoảng 96,1%) do phải thực hiện cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Có 41,8% trang trại có thực hiện xử lý chất thải thông qua các công trình khí sinh học, 32,4% trang trại áp dụng ủ phân và 3,1% trang trại áp dụng các hình thức xử lý khác như nuôi giun, cá, phơi, bán... Đối với chăn nuôi nông hộ, tỷ lệ hộ chăn nuôi có áp dụng biện pháp xử lý chất thải là: 59,7% cho hộ chăn nuôi lợn, 56,6% cho hộ chăn nuôi bò sữa, 48,4% cho hộ chăn nuôi bò thịt, 46,9% cho hộ chăn nuôi trâu, 29,1% cho hộ chăn nuôi gà.
Tuy nhiên, thực tế điều tra cho thấy, nhiều địa phương chưa đạt được tỷ lệ bình quân chung trên. Các hình thức xử lý chất thải đối với các hộ chăn nuôi có xử lý gồm 48,5% ủ phân truyền thống (compost), 30,6% thực hiện quản lý chất thải theo VietGAP, 11% áp dụng khí sinh học và 6% sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải, còn lại sử dụng đệm lót sinh học.
Lượng CTR phát sinh từ hoạt động chăn nuôi bò chiếm phần lớn trong tổng số CTR chăn nuôi.
Khó khăn và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý CTR chăn nuôi
Thời gian qua, hệ thống văn bản chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường đối với quản lý chất thải chăn nuôi ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, việc đồng bộ triển khai từ Trung ương xuống địa phương còn nhiều hạn chế và khó thực hiện trong quản lý chất thải chăn nuôi. Những khó khăn, vướng mắc được xác định chủ yếu như: một số quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các ngành, giữa chính quyền địa phương các cấp thiếu cụ thể, chưa đồng bộ dẫn đến chồng chéo, bất cập trong tổ chức quản lý.
Bên cạnh đó, văn bản hướng dẫn về quản lý CTR chăn nuôi thiếu cụ thể, chưa chi tiết dẫn đến các chủ hộ chăn nuôi, chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi khó áp dụng. Quy định về xử lý vi phạm hành chính về quản lý CTR chăn nuôi chưa được cụ thể hóa trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường (Nghị định số 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ) mà chỉ được quy định tại Điều 30, 31 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó, đối với CTR có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị xử phạt: 1-3 triệu đồng với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; 3-5 triệu đồng với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; 5-7 triệu đồng với chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Mức xử phạt này còn thấp (so với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), vì vậy chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm. Ngoài ra, nhận thức về bảo vệ môi trường, vai trò, trách nhiệm trong quản lý CTR chăn nuôi của chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi cá thể chưa đầy đủ; nhiều hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi chưa chủ động quan tâm, coi trọng tìm hiểu, áp dụng, thực hiện các hoạt động thu gom, xử lý, tái sử dụng CTR chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Từ thực trạng trên dẫn đến hoạt động quản lý của chủ nguồn thải CTR chăn nuôi chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực trong xã hội tham gia xử lý, sử dụng CTR chăn nuôi để sản xuất phân bón và các sản phẩm khác chậm được triển khai, một số chính sách chưa phù hợp, dẫn đến hiệu quả thấp. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, hỗ trợ nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng CTR chăn nuôi triển khai còn chậm, thiếu toàn diện…
Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng, phát triển theo đà phục hồi kinh tế hậu Covid-19, để nâng cao hiệu quả quản lý CTR chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường, hướng đển mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững cần xem xét một số nội dung:
Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, trước mắt tập trung xây dựng các văn bản hướng thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nội dung quy định về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác (điểm đ, khoản 2 Điều 58); xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi nhằm từng bước giảm lượng phân hóa học sử dụng; từng bước hình thành chiến lược quản lý chất thải vật nuôi toàn quốc theo hướng coi chất thải chăn nuôi là tài nguyên, nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác để tạo lập thị trường trao đổi, chế biến, lưu thông và sử dụng hàng hóa; xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hoặc cho các mục đích sử dụng khác.
Hai là, quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn quy hoạch chăn nuôi với quy hoạch bảo vệ môi trường; kiên quyết không triển khai các dự án chăn nuôi mới không tuân thủ quy hoạch; đề xuất lộ trình di chuyển các cơ sở ngoài quy hoạch vào trong địa bàn quy hoạch để thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học, thực phẩm và bảo vệ môi trường; xem xét lại loại hình chăn nuôi gia công cho nước ngoài (hoặc có hình thức áp thuế phù hợp) để đầu tư lại cho xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe; thử nghiệm và hướng dẫn việc bổ sung hạng mục, hoàn thiện, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý nước thải chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống xử lý sau biogas đáp ứng QCVN 62-MT:2016/BTNMT trước khi thải ra môi trường; tiếp tục rà soát, đánh giá việc áp dụng QCVN 62-MT:2016/BTNMT tại các địa phương để có định hướng sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi trong bối cảnh hài hòa với mục tiêu phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi; đề cao vai trò của cộng đồng trong theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi.
Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình chăn nuôi; khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu, phát triển các mô hình chăn nuôi - trồng trọt - nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.