Tọa đàm được tổ chức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom với sự tham gia của Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải, Phạm Bảo Sơn và hơn 200 đại biểu. Diễn giả của chương trình là TS Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Trực tuyến FUNiX kiêm Cố vấn Sáng tạo của Tập đoàn FPT, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT.
Đặt chân đến nhiều quốc gia, chứng kiến nền giáo dục đại học đại trà khủng hoảng trên toàn thế giới vì không thể bắt kịp với thực tế đang thay đổi nhanh chóng, ông Nguyễn Thành Nam nhận ra giáo dục luôn đòi hỏi sự sáng tạo. "Việt Nam cần tìm được con đường của mình, có thể học hỏi Ấn Độ, Philippines hay Mexico... - những quốc gia đa dạng về phương thức giáo dục" - ông Nam chia sẻ. Ông Nam cho rằng, giáo dục trực tuyến là xu thế của giáo dục nói chung và đặc biệt với giáo dục đại học. Chính nhờ môi trường Internet, mọi thông tin đều rất sẵn mà điển hình như Bách khoa thư Wikipedia được hình thành do sự đóng góp công sức của chính cộng đồng người sử dụng Internet. Qua đó, mọi người đều có thể vào đọc để tự học cho mình và thậm chí bổ sung tri thức vào đó.
Theo diễn giả, sinh viên Việt Nam cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách kết nối... Đây là thế hệ sẽ làm nên sự phát triển và thay đổi của đất nước, một cách học chủ động và nguồn tư liệu rộng mở sẽ giúp họ sải những bước dài đến thành công. Ông cũng chia sẻ, trong quá trình theo học, học viên sẽ tự học tài liệu, làm bài tập, tự đặt câu hỏi với người hướng dẫn, tham gia các dự án, thi và làm đồ án tốt nghiệp... Cách học này sẽ thay đổi cách suy nghĩ của thế hệ trẻ Việt Nam, giúp họ dần hình thành bản lĩnh khác biệt để thành công trong tương lai.
TS Nguyễn Thành Nam cho rằng, chuyển đổi số là công cụ để giải quyết các vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số phải được bắt đầu từ chính nhu cầu, mong muốn của tổ chức mà vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Trong quá trình đó, các cơ sở giáo dục đại học sử dụng công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình dạy và học.
Minh Khang, Quốc Toản