Theo đánh giá từ báo cáo, mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân để góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công. Một ví dụ được đưa ra về sự hỗ trợ của chính phủ là Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025, trong số đó có 100 doanh nghiệp sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ước tính là 2 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu này được hỗ trợ bởi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các đề án: “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Báo cáo của ADB cho thấy, năm 2021, tại Việt Nam có 5 lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính hay “fintech” (26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục hay “edtech” (17,2%); công nghệ y tế hay “healthtech” (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%). Nhìn chung, hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp triển vọng nhất đều liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game… những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2-3 năm tới. Một số công ty triển vọng có thể lớn mạnh vươn mình trở thành các "kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam.
MN