Thứ ba, 19/07/2022 15:05

Hải Phòng: Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển kinh tế - xã hội

PGS.TS Nguyễn Thị Hiên

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển kinh tế - xã hội, TP Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 12,38% trong năm 2021, dẫn đầu cả nước. Tỷ trọng đóng góp của Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP tăng dần hàng năm; đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản suất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực trạng hoạt động KH&CN của TP Hải Phòng

Lịch sử phát triển của sản xuất đã chứng minh KH&CN có vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đã trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp, tác động vào việc nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và giá thành sản xuất. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH&PTCN) luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cũng như tăng trưởng kinh tế của mọi quốc gia. Đổi mới NCKH&PTCN trở thành yếu tố trung tâm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thoát khỏi suy thoái và tạo ra triển vọng tăng trưởng lâu dài, bền vững cho nền kinh tế. Điều này được thể hiện rõ qua tỷ lệ đóng góp của TFP* vào GDP của mỗi nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng TFP là chỉ tiêu quan trọng trong phân tích năng suất chất lượng, tăng trưởng kinh tế và đánh giá tiến bộ KH&CN của một ngành, một địa phương hoặc quốc gia . Vì thế giữa TFP và tiềm lực KH&CN có mối quan hệ gắn kết, tương hỗ và biện chứng với nhau. Để nâng cao năng suất, chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay địa phương thì điều quan trọng nhất là phải tăng cường tiềm lực KH&CN của quốc gia hay địa phương đó. Hiểu rõ mối quan hệ biện chứng này, bằng nhiều chính sách và giải pháp phù hợp, trong giai đoạn 2015-2020, Hải Phòng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về tiềm lực KH&CN cũng như tỷ trọng đóng góp của TFP trong GDP cho thành phố, cụ thể như sau:

Về tiềm lực KH&CN: thành phố đã thực hiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, hỗ trợ kinh phí cho các học viên đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài, trong đó chú trọng đối tượng là cán bộ KH&CN trong các tổ chức công lập. Tính đến nay, nhân lực KH&CN trong các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức KH&CN có 4.900 cán bộ có trình độ đại học trở lên, trong đó 248 người có trình độ tiến sỹ khoa học, tiến sỹ; 1.706 thạc sĩ (34,82%), 2.946 đại học (60,12%). Đội ngũ nhân lực KH&CN từng bước được trẻ hóa, tỷ lệ dưới 40 tuổi chiếm 71,02%; tỷ lệ có trình độ thạc sỹ, dưới 40 tuổi chiếm 77,40%; tỷ lệ có trình độ tiến sĩ, dưới 40 tuổi chiếm 25,44%; cơ cấu nhân lực KH&CN nữ tăng nhanh, đạt 51,96%.

Những kết quả trên là thành quả của quá trình thành lập và tập trung đầu tư cơ sở vật chất của thành phố, kết hợp mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa hình thức đào tạo, phát triển các trường đại học trên địa bàn thành phố trở thành trường đại học đa cấp, đa ngành như: Y Dược, Hàng hải Việt Nam, Dân lập Hải Phòng. Đặc biệt, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn ISO 9001-2000, cũng là trường duy nhất tại Việt Nam có bằng cấp được công nhận tại tất cả các nước trên thế giới. Chất lượng đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu của xã hội, với khoảng 70% sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Mỗi năm thành phố thu hút trên 30% sinh viên là người ngoài tỉnh đến học tập.

Cùng với giáo dục đại học, thời gian qua, giáo dục dạy nghề cũng được Hải Phòng đặc biệt được quan tâm, chú trọng. Thành phố đã triển khai thực hiện công tác quy hoạch nhân lực lao động kỹ thuật thông qua quy hoạch mạng lưới dạy nghề, tuyển sinh học nghề; bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, kiểm định chất lượng dạy nghề. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN và đồng bộ nội dung vào chương trình đào tạo; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng giáo trình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tích hợp kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Trang thiết bị phục vụ thực hành cho người học được quan tâm đầu tư; công tác đánh giá và công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định, một số ngành, nghề liên kết có sự tham gia đánh giá của các tổ chức sử dụng lao động. Nhằm tránh việc đào tạo nửa vời, lãng phí thời gian và công sức của học viên, mà vẫn không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thành phố đã chủ trương kết nối cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo người lao động ở những ngành nghề mà họ cần, tất cả các khâu: xây dựng chương trình, giảng dạy, thực hành tại cơ sở sản xuất, đánh giá năng lực học viên. Hải Phòng hiện nay đã trở thành một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo lực lượng lao động lành nghề của cả nước với 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho trên 100 nghề; trong đó có 63 nghề trọng điểm, 21 nghề cấp độ quốc tế, 13 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 29 nghề cấp độ quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiềm lực KH&CN của thành phố vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế. Đội ngũ nhân lực KH&CN nhìn chung vẫn còn mỏng và chất lượng chưa cao, đặc biệt còn thiếu các chuyên gia giỏi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; thiếu cán bộ KH&CN đầu đàn và đội ngũ cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao. Các loại hình dịch vụ, sản phẩm thông tin KH&CN có hàm lượng khoa học, chất xám, có giá trị còn hạn chế, chưa được triển khai vào đời sống, sản xuất. Cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực của cán bộ thông tin KH&CN chưa được đầu tư nâng cấp mới.

Việc củng cố và tăng cường tiềm lực của các tổ chức KH&CN của thành phố vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, việc tranh thủ tiềm lực KH&CN của Trung ương và quốc tế còn rất hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống các cơ quan, đơn vị hoạt động KH&CN chưa thực sự là những cơ quan tư vấn mạnh về KH&CN, chưa đảm nhận tốt vai trò cầu nối giữa KH&CN với sản xuất và đời sống. Hoạt động thông tin KH&CN của thành phố chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Kinh phí từ ngân sách thành phố dành cho KH&CN vẫn còn thấp (bình quân đạt 0,34% tổng chi ngân sách thành phố), vẫn còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu 2% tổng chi ngân sách thành phố hàng năm như mục tiêu đề ra.

Về tỷ trọng đóng góp của TFP trong GDP:  trong giai đoạn từ 2015-nay, chỉ số TFP trong GDP của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt từ năm 2015-2019, chỉ số TFP đã tăng từ 32,4% lên 54,82% (gấp 1.69 lần). Tuy sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động đến sự phát triển của kinh tế TP Hải Phòng trong năm 2020 khiến chỉ số TFP xuống 40,36% (giảm 1,35 lần so với năm 2019). Mặc dù vậy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ, thành phố đã sớm định vị lại chính mình để phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo (TFP 2021 đã tăng lên 41,16% và dự kiến năm 2022 đạt 42,30%). Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ trọng đóng góp của TFP trong GDP của thành phố vẫn còn một số vấn đề. Cụ thể là đóng góp của nhân tố lao động (nguồn nhân lực) vào TFP vẫn còn thấp. Điều này được phản ánh qua một số phương diện như: năng suất lao động chung của các ngành, các khu vực kinh tế còn thấp, chứng tỏ chất lượng nguồn lao động chưa cao, thể hiện cả ở trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động và đội ngũ cán bộ quản lý. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ thuật nghề nghiệp cho người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, việc áp dụng những tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các khu vực, các ngành kinh tế vẫn còn hạn chế, thể hiện qua một số chỉ tiêu như: năng suất tổng hợp theo nguồn lực tăng chậm; mức đầu tư vốn trên một đơn vị lao động còn thấp; tốc độ tăng năng suất lao động bấp bênh và không bền vững; tốc độ đổi mới máy móc, thiết bị còn chậm; việc áp dụng các công nghệ quản lý hiện đại, quy chuẩn kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực, các doanh nghiệp chưa nhiều, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao.

Giải pháp trong thời gian tới

Hải Phòng coi KH&CN là nguồn lực quan trọng của phát triển kinh tế địa phương.

Để góp phần vào nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung, trong thời gian tới Hải Phòng cần chú trọng phát triển các nguồn lực, tiềm lực KH&CN. Trong đó, cần ưu tiên thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, cần đặc biệt quan tâm và tăng cường mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế; tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả nhân lực lãnh đạo quản lý và người lao động có tay nghề cao) của thành phố đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù của thành phố về thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo, tập huấn các kiến thức mới về đổi mới sáng tạo, công nghệ 4.0 nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN.

Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh. Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN cho từng giai đoạn một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Thứ tư, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin KH&CN, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Nghiên cứu đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN theo hướng nâng cao tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp và đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN.

Cuối cùng, đổi mới cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đề tài, dự án, đề án do các doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức KH&CN thực hiện. Vận dụng cơ chế hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, tài trợ theo cơ chế sản xuất thử nghiệm đối với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng của doanh nghiệp. Thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN và khởi nghiệp sáng tạo; tăng số lượng và quy mô quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quan hệ đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN.

*

*             *

Trong thời gian tới, với tinh thần khơi dậy khát vọng phát triển và kiến tạo tương lai, hoạt động KH&CN thành phố sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố để đề xuất nhiệm vụ theo hướng đột phá, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thông qua đó, Hải Phòng sẽ sớm đạt được các “mục tiêu kép” mà Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVI của thành phố đã đề ra.

 

*TFP là chỉ số đo lường sự thay đổi đầu ra trên một đơn vị các đầu vào được kết hợp với nhau bao gồm các yếu tố: nghiên cứu và phát triển, công nghệ mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kỹ năng quản lý và các thay đổi trong tổ chức.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)