Danh tiếng và việc quản lý nhãn hiệu tập thể "Chanh không hạt Hậu Giang"
Với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi, Hậu Giang xác định cây ăn trái là thế mạnh của tỉnh, trong đó có chanh. Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang cho thấy, diện tích cây ăn trái của tỉnh hiện nay là khoảng 43.174 ha, sản lượng 501.000 tấn/năm; riêng cây chanh không hạt có diện tích 2.764 ha, được trồng chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy... với sản lượng hàng năm đạt khoảng 30.494 tấn, thị trường tiêu thụ chính là trong nước và xuất khẩu sang châu Âu. Với đặc tính cho trái quanh năm, chanh không hạt có thể được thu hoạch liên tục, với giá bán dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg (tuỳ theo mùa vụ và năng suất của từng vườn), giúp mang lại lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/ha. Điển hình cho thành công trên là Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước (huyện Châu Thành) - đơn vị đi đầu trong phong trào trồng chanh không hạt của tỉnh, góp phần quan trọng chuyển đổi mô hình canh tác cây ăn trái của địa phương. Năm 2013 khi được đăng ký bảo hộ độc quyền, sản phẩm chanh không hạt Hậu Giang đã được nhiều người biết đến với các ưu điểm về chất lượng như nhiều nước, vỏ mỏng, đẹp và đặc biệt là mùi rất thơm. Tuy nhiên, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, sản phẩm “Chanh không hạt Hậu Giang” của Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước đã bị nhiều thương lái giả mạo nhãn hiệu, ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng của “Chanh không hạt Hậu Giang”. Bên cạnh đó, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước cũng chưa có công cụ nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc để nâng cao công tác quản lý nhãn hiệu độc quyền này.
Nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm
Nhằm góp phần khai thác triệt để giá trị của tài sản trí tuệ, nâng tầm cao mới cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, dự án cấp tỉnh: “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” dùng cho sản phẩm chanh không hạt của tỉnh Hậu Giang đã được đưa vào danh mục nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và được UBND tỉnh phê duyệt. Tháng 7/2020, Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang đã giao cho Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhãn hiệu theo hướng chuyên nghiệp, giữ vững giá trị và danh tiếng của sản phẩm khi mang nhãn hiệu tập thể.
Sau 2 năm thực hiện, dự án đã hoàn tất quá trình khảo sát quy mô, hiện trạng, tình hình sản xuất và kinh doanh chanh không hạt, cũng như công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chanh không hạt Hậu Giang" của Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước. Sau đó, tiến hành xây dựng và triển khai áp dụng thành công hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu, xây dựng bộ tiêu chí cho sản phẩm, có thể hiện chi tiết các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, phân loại sản phẩm, chỉ tiêu cảm quan, hình thức, kích cỡ, trọng lượng quả... Bên cạnh đó, dự án đã đề xuất được mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu phù hợp với điều kiện của Hợp tác xã.
Ngoài ra, công tác kiểm soát nguồn gốc sản phẩm rất được dự án chú trọng, thông qua việc hỗ trợ bộ công cụ truy xuất nguồn gốc bằng mã số, mã vạch; in ấn tem QR code khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, đặc biệt là thiết kế hoàn thiện hệ thống nhận diện nhãn hiệu tập thể, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem, nhãn, poster và tờ rơi quảng bá, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu khách hàng vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Để nâng cao năng lực quản lý nhãn hiệu tập thể, dự án còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho thành viên Hợp tác xã và bà con vùng trồng chanh để phổ biến sâu rộng các quy định liên quan về sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức và hiệu quả trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Ban chủ nhiệm dự án trao bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm “Chanh không hạt Hậu Giang” cho HTX nông nghiệp Thạnh Phước.
Để phát triển bền vững nhãn hiệp tập thể, dự án đã xây dựng website: http://www.chanhkhonghathaugiang.com.vn để góp phần quảng bá “Chanh không hạt Hậu Giang” và hỗ trợ thực hiện các giao dịch thương mại, cũng như cập nhật thông tin thường xuyên và kịp thời về hình ảnh, hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản phẩm, nhãn hiệu.
Giao diện của website.
Bên cạnh đó, để giới thiệu nét đặc trưng của vùng sản xuất, góp phần đẩy mạnh sự phát triển nông sản nói chung, chanh không hạt nói riêng, dự án đã thiết kế tấm pano ngoài trời (kích thước 3x6 m) và lắp đặt trên trục đường liên tỉnh ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành nhằm tác động trực tiếp đến thị giác của người tiêu dùng, quảng bá nét văn hoá của vùng sản xuất.
Pano quảng bá “Chanh không hạt Hậu Giang” được lắp đặt tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành.
Với những kết quả đã đạt được, dự án đã giúp Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể "Chanh không hạt Hậu Giang" theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Thêm vào đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền trên website, pano và hệ thống nhận diện thì nhãn hiệu tập thể "Chanh không hạt Hậu Giang" ngày càng khẳng định được danh tiếng, uy tín trên thị trường, nâng cao vị thế sản phẩm, tạo hướng đi đúng cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và kinh doanh sản phẩm chanh không hạt của tỉnh, là tiền đề khuyến khích người dân tham gia vào các tổ chức sản xuất tập thể, dần thay thế cho tập quán sản xuất manh mún, tiến tới liên kết kinh doanh sản phẩm chất lượng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật quy mô lớn và có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, sau khi sản phẩm “Chanh không hạt Hậu Giang” được bảo hộ độc quyền thì đã có thêm nhiều hợp tác xã chanh không hạt của tỉnh được hình thành, tiêu biểu như Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Phú với diện tích chuyên trồng chanh không hạt đạt GlobalGAP trên 30 ha, có công ty bao tiêu, xuất khẩu ổn định sang thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chanh không hạt Hậu Giang" còn là mô hình điểm để nhân rộng cho các địa phương khác áp dụng trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tương tự. Một trong những hiệu quả quan trọng mà dự án mang lại là đã hình thành được một mạng lưới chuyên gia hỗ trợ và hướng dẫn người dân, hợp tác xã trong việc thực hiện các chính sách bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.