Diễn giả chính của buổi tọa đàm là GS Raymond Lee - Phó Trưởng Khoa Công nghệ, Đại học Portsmouth, Vương quốc Anh; GS.TSKH. Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Đại học Y khoa Penn State, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh - Y học Đà Lạt; TS.BS Phan Hữu Phúc - Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khỏe trẻ em, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực nội; PGS.TS.BS Lê Thị Kim Ánh - Đại học Y tế Công cộng; và PGS.TS Mai Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.
Tại buổi tọa đàm, GS Raymond Lee cho rằng, đổi mới sáng tạo ngày nay cần phải chú trọng chất lượng, sức ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đổi mới sáng tạo chính là việc tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng/bệnh nhân. Để làm được điều này, cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ nhu cầu, mục đích, động lực của người dùng (bác sỹ và bệnh nhân). Với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, mô hình Ba trụ cột (The triple helix) dựa trên sự phối hợp giữa đại học, chính phủ và công nghiệp dường như chưa thực sự hoàn thiện để tạo ra những sự thay đổi quan trọng. Mô hình bốn trụ cột (quadruple helix) được phát triển dựa trên mô hình Ba trụ cột khi bổ xung yếu tố xã hội dân sự. GS Lee cùng PGS.TS Mai Anh Tuấn đã tiến hành khảo sát 16 nhân sự cấp trung, cao cấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); 13 nghiên cứu sinh từ các trường đại học kỹ thuật; 18 cá nhân từ quản lý cấp trung trở lên trong các cơ quan chính phủ. Kết quả cho thấy, phản ánh đúng những gì mô hình Bốn trụ cột nêu ra. Áp dụng và trình diễn mô hình Bốn trụ cột là một đề tài đào tạo tiến sỹ mang tên “Đánh giá chứng ngừng thở lúc ngủ tại nhà: xét tới yếu tố kinh tế, xã hội tại các nước có thu nhập trung bình và thấp” với sự tham gia của Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Công ty Digo và Trường Đại học Công nghệ.
GS.TSKH Dương Quý Sỹ - thành viên của Hội đồng Phát triển nguồn nhân lực quốc gia cho rằng, đây là một mô hình tiên tiến và rất phù hợp để Việt Nam cân nhắc áp dụng. Ông cũng cho biết, sẽ đưa mô hình này vào trong báo cáo Hội đồng Phát triển nguồn nhân lực quốc gia (thuộc Chính phủ) vào thời điểm sớm nhất.
Buổi tọa đàm đã đi sâu hơn vào việc áp dụng mô hình Bốn trụ cột vào bối cảnh của Việt Nam đồng thời các diễn giả và khách mời cũng đã trả lời nhiều câu hỏi thú vị của khán giả đang theo dõi VSL-TALK 17 trực tiếp tại hội trường và trực tuyến qua Zoom.
VVH