Các đề tài sẽ nghiên cứu giải pháp bảo tồn mai vàng Huế và xây dựng phương án, kế hoạch bảo tồn 100 cây mai vàng Huế có tuổi đời trên 50 năm tuổi; nghiên cứu tuyển chọn các cây mai vàng Huế có đặc tính điển hình để làm nguồn giống đầu dòng. Trên cơ sở đó, sẽ tiến tới xây dựng hồ sơ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh. Theo Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng, mục tiêu của dự án là duy trì, phát huy danh tiếng, phát triển bền vững, nhân rộng loài hoa quý có giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử và tâm linh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng vùng sản xuất sản phẩm Hoàng mai hàng hóa đặc thù, mang chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu riêng, tăng thêm sinh kế cho người dân. Đồng thời, góp phần vào sự thành công Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”.
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, tỉnh có đủ điều kiện để phát triển cây mai vàng Huế trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. Để thực hiện điều này, tỉnh cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể, trong đó phải xây dựng được thương hiệu giống mai vàng Huế thông qua việc quảng bá, tổ chức các lễ hội mang tầm quốc gia. Cũng theo ông Phan Ngọc Thọ, điều tất yếu hiện nay là phải đánh giá được giống mai Huế nào là chủ đạo để nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các khu vực trồng mai vàng phù hợp, phát triển hình thành các vườn mai, rừng mai lớn. Đồng thời, phải có sự vào cuộc của các địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong việc vận động, thuyết phục người dân bảo vệ giống mai vàng Huế. Ông tin rằng, cây mai vàng Huế sẽ trở thành một loại hàng hoá tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch và xây dựng bản sắc văn hoá Huế.
Xuân Bình