Từ những thợ mộc làm cái cày, cái bừa phục vụ nông nghiệp, những người đàn ông ở xã Hòa Phong tự học nghề lẫn nhau, dần dần ai cũng biết nghề chạm khắc gỗ. Họ truyền tai nhau bí quyết “quân bát, phát tam, tồn ngũ, phân nhị” có nghĩa lấy chu vi chia làm tám đoạn, bỏ ba đoạn còn năm đoạn, đem chia hai để tính công thức đường kính gỗ. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm bốn công đoạn, cụ thể: i) chọn gỗ; ii) phát thảo bố cục tạo hình; iii) đục thô; iv) chạm tinh. Mỗi công đoạn đều có vai trò riêng, trong đó bước tạo hình được xem là công đoạn khó nhất, tạo nên nét đặc trưng của nghề.
Khi nghề mộc phát triển, đã tạo được công ăn, việc làm ổn định cho các hộ dân ở làng, qua đó, người dân ở những thôn khác trong xã cũng bắt đầu đến học nghề. Nhưng điều đặc biệt của nghề mộc ở xã Hòa Phong này, đó là người dân nơi đây vô cùng sáng tạo. Tuy cùng học nghề mộc nhưng mỗi người chủ, mỗi thôn lại đi sâu vào những lĩnh vực khác nhau của nghề mộc.
Nghề mộc Hòa Phong hiện đang ngày một phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Nhờ những kết quả đạt được, đồng thời phát triển nhãn hiệu tập thể kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín và danh tiếng của các sản phẩm mộc ở xã Hòa Phong; xúc tiến thương mại góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm mộc của địa phương. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 369421 cho chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân xã Hòa Phong.
Được biết, đến nay toàn xã hiện có trên 100 xưởng mộc lớn nhỏ, trong đó tập trung nhiều ở các thôn Thuần Mỹ, Phúc Miếu và Hòa Phong, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Ngoài sản xuất tại chỗ, nhiều thợ của xã mở xưởng mộc tại các tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Quảng Ninh… và các nước bạn Lào, Trung Quốc. Sản phẩm mộc ở đây rất đa dạng, tập trung ở các nhóm hàng salon Âu, Á, chạm khắc cây cảnh, con giống và các đồ gia dụng. Đặc biệt, những năm gần đây, sản phẩm mộc của xã Hòa Phong được nâng cao, có uy tín trên thị trường nên được nhiều khách hàng ngoài tỉnh và nước ngoài đến đặt mua. Từ nghề mộc đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài xã với mức thu nhập từ 3 triệu đến trên 10 triệu đồng/người/tháng. Chính vì sự phát triển mạnh của nghề mộc đã giải quyết việc làm cho người lao động và mang lại nguồn thu đáng kể đối với các hộ gia đình của toàn xã.
Đoàn Khải