Dự án MAIC được thực hiện với mục tiêu tăng cường kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, sản xuất xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, truy xuất nguồn gốc và phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL. Dự án sẽ tăng cường kết nối, tương tác, trao đổi thông tin kỹ thuật, đổi mới sáng tạo các lĩnh vực trên giữa các bên liên quan, gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp, hiệp hội và nông dân các lĩnh vực liên quan thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, thông qua nhiều phương thức hoạt động khác nhau như: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn...
Phát biểu tại lễ khởi động Dự án, GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ tin tưởng mô hình liên kết giữa CSIRO - Trường Đại học Cần Thơ là mô hình tiên tiến, đem lại hiệu quả cho các bên liên quan và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cộng đồng. Đây chính là cầu nối quan trọng để thực hiện phát triển thủy sản bền vững ở ĐBSCL. Trong bối cảnh thuận lợi, thách thức mới, Trường Đại học Cần Thơ luôn cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.
Lê Nguyễn Đoan Khôi