Thứ ba, 31/05/2022 09:34

Chi trả phúc lợi xã hội trực tiếp tới người thụ hưởng

Từ trước đến nay để tiền trợ cấp đến được tay người thụ hưởng phải thông qua nhiều bước từ Kho bạc Nhà nước, đến bộ chủ quản, chuyển về địa phương, thông qua Ngân hàng rồi mới vào tài khoản người thụ hưởng. Quy trình này có thể gặp các vấn đề về tính minh bạch và hiệu quả. Chính vì vậy, “Triển khai chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội” là hết sức cần thiết. Đây cũng là chủ đề của hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức ngày 30/5/2022.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Công an cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong triển khai Đề án 06 nhằm đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chủ động phối hợp nghiên cứu với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cùng một số các ngân hàng thương mại tiến hành nghiên cứu phương án thông qua công tác cấp tài khoản định danh điện tử để thực hiện cấp tài khoản ngân hàng phục vụ chi trả tiền trợ cấp an sinh xã hội cho công dân Việt Nam gọi tắt là tài khoản an sinh.
Qua công tác phối hợp, các đơn vị đều thống nhất với nhau mục đích và lợi ích cấp tài khoản an sinh cụ thể là: 1) Bộ Công an phối hợp, kết nối với các ngân hàng thương mại mở tài khoản ngân hàng cho công dân gắn với số tài khoản định danh điện tử với mục đích phục vụ công tác chi trả an sinh xã hội đảm bảo nhanh nhất, thông tin công dân chính xác nhất và đến đúng đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước; 2) Các cơ quan nhà nước sẽ thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội cho công dân qua duy nhất một số tài khoản là số mã số định danh điện tử công dân - chuỗi số duy nhất gắn với công dân; 3) Công dân chỉ cần làm thủ tục một lần tại cơ quan công an sẽ thực hiện được nhiều thủ tục cùng một lúc, không mất nhiều thời gian đi lại nhiều lần.

Nhờ có công nghệ thông tin, quy trình chi trả hoàn toàn có thể được rút gọn. Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều cải cách để hiện đại hóa hệ thống chi trả, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 100% các khoản chi trả an sinh xã hội sẽ thực hiện qua thanh toán điện tử. Tại hội thảo, tham luận đại diện cho Bộ LĐTBXH, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ những mục tiêu, ý nghĩa, điều kiện, quy trình… thực hiện chi trả điện tử trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)