Ngày 23/1/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên báo cáo có trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/4/2020 (100 ngày đầu tiên), chỉ có 270 trường hợp mắc mới được ghi nhận và không có trường hợp nào tử vong. 2 đợt lây nhiễm SARS-CoV-2 trong hơn 100 ngày tại Việt Nam đã khiến khoảng 200.000 người phải trải qua ít nhất 14 ngày kiểm dịch, tổng cộng 266.122 xét nghiệm RT-PCR đã được thực hiện, chủ yếu ở những người đã được cách ly, đưa ra tỷ lệ xét nghiệm được thực hiện trên mỗi người dương tính (~ 1000:1) hoặc tương đương, khoảng 1000 người được xét nghiệm cho mỗi trường hợp dương tính được xác định. Dữ liệu lâm sàng và nhân khẩu học của 270 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên cũng như thời gian và bản chất của các biện pháp kiểm soát của chính phủ, bao gồm số lượng xét nghiệm và các cá thể bị cách ly, đã được tổng hợp và phân tích.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn các trường hợp bệnh (60%) ở Việt Nam là nhập cảnh từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ. Việc kiểm soát tại sân bay, cách ly tất cả các hành khách nhập cảnh và tạm dừng hoạt động gần như tất cả các chuyến bay quốc tế đã giúp ngăn chặn các trường hợp lây nhiễm mới, để tập trung vào việc phát hiện và ngăn chặn các nguồn lây trong nước. Tại Việt Nam, phần lớn các trường hợp nhập cảnh dưới 30 tuổi, các trường hợp mắc bệnh trong nước đều dưới 40 tuổi, điều này giải thích cho số lượng trường hợp mắc bệnh nặng thấp và không có trường hợp nào tử vong.
73,9% trường hợp phát triển các triệu chứng sau khi cách ly và 43% không có triệu chứng đã cho thấy một trong những thách thức lớn của việc kiểm soát SARS-CoV-2 và thế mạnh của phương pháp tiếp cận của Việt Nam. Các trường hợp nghi ngờ được xác định và cách ly dựa trên nguy cơ lây nhiễm dịch tễ học của người nhiễm bệnh, thay vì biểu hiện các triệu chứng. Nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát và theo dõi tiếp xúc nghiêm ngặt, rất có thể những trường hợp như vậy đã âm thầm lây truyền vi rút và phá hoại các nỗ lực kiểm soát dịch khác.
Công trình này đã khái quát hoá quá trình kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam, trong đó tổng kết bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, bài báo cũng đưa ra những bằng chứng quan trọng trong việc kết luận bệnh có thể lây truyền từ những cá thể nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng (nhiễm trùng không triệu chứng). Đây là luận điểm quan trọng bởi tại thời điểm đó vẫn còn quan điểm cho rằng chỉ người có triệu chứng mới có thể là nguồn lây nhiễm. Kết quả về lây truyền không triệu chứng cũng như biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam ngay lập tức được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thu thập và sử dụng để khuyến cáo các biện pháp kiểm soát dịch cho các quốc gia trên thế giới.
Bắc Lê