Thứ ba, 29/03/2022 17:54

Biến nguồn lực thành động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 28/3/2022, tại Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”. Tham dự Hội thảo có các đại biểu là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương gợi mở cách tiếp cận mới trong huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhìn chung sẽ xuất phát từ: xu hướng toàn cầu, tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương. Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển của mình và cần được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, tức là chúng ta không thể có một chính sách chung cho tất cả. Đây là quá trình các địa phương phải tiến hành trên tinh thần đổi mới sáng tạo, cần đổi mới sáng tạo trong cả cách nghĩ và cách làm, cả tư duy và hành động để thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của thực tiễn, đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tuần hoàn và kinh tế số; hết sức chú trọng khai thác và phát huy nguồn lực con người, bởi đây vừa là nguồn lực nội sinh nhưng chính là động lực phát triển quan trọng nhất mà chúng ta cần phải tính đến".

Hội thảo đã nhận được 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương… Các tham luận, ý kiến thảo luận tập trung vào nhận thức về bối cảnh quốc tế, lý luận chung về nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; qua đó khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.  

Có thể nói, nuôi dưỡng, phát huy và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực và tạo những động lực tăng trưởng, phát triển mới luôn là yếu tố căn cốt, rất quan trọng của quản trị và phát triển đất nước nói chung, của quản trị và phát triển địa phương nói riêng. Trong bối cảnh xảy ra những biến cố, khủng hoảng ở quy mô lớn như đại dịch Covid-19, việc tối ưu hóa các nguồn lực và động lực càng có ý nghĩa quan trọng nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho sự ổn định ngay trong tình trạng bất định, “biến nguy thành cơ”, tìm thấy những cơ hội phát triển mới trong và sau đại dịch. Đồng thời, sự phát triển của mỗi địa phương cần luôn đặt trong tổng thể sự phát triển chung của vùng, đất nước, coi trọng liên kết nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, có trách nhiệm đối với sự phát triển toàn cục, tuyệt đối tránh tư duy cát cứ, cục bộ, vị kỷ; luôn hướng tới tầm nhìn phát triển chiến lược dài hạn, khát vọng phát triển lớn lao, nhưng hành động thực tế, khả thi, mang lại những hiệu quả rõ rệt, thể hiện rõ “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”.

Ninh Thuận

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)