Thứ sáu, 25/03/2022 16:09

Đổi mới sáng tạo và công nghệ giáo dục trong bối cảnh bình thường mới

Ngày 24/3/2022, trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2022, Hội thảo “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và công nghệ giáo dục (Edtech) trong bối cảnh bình thường mới” đã được tổ chức. Sự kiện do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Làng Công nghệ giáo dục, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức. Hội thảo góp phần cung cấp bức tranh toàn cảnh về thị trường Edtech toàn cầu cũng như Việt Nam những năm gần đây. Qua đó đưa ra những đánh giá, định hướng phát triển Edtech trong thời gian tới.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục là điều tất yếu để thích ứng với bối cảnh đại dịch. Chính vì vậy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Theo Báo cáo Công nghệ giáo dục Việt Nam 2021, tổng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Edtech đứng thứ 3 với 20,2 triệu USD. Việt Nam nằm trong top 10 thị trường công nghệ giáo dục có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng đạt 44,3%.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Trí Hiển (CEO của Công ty CP Công nghệ giáo dục Thiên Hà Xanh) cho biết: Tổng đầu tư vào thị trường Edtech toàn cầu trong năm 2021 tiếp tục phá kỷ lục với 53,68 tỷ USD, trong đó đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các startup trong ngành là khoảng 20,8 tỷ USD với khoảng trên 15.000 lượt đầu tư (tăng khoảng 30% so với năm 2020). Thị trường giáo dục toàn cầu ước tính trị giá 6.600 tỷ USD, riêng thị trường Edtech là 280 tỷ USD (lớn hơn thị trường game và giải trí với 250 tỷ USD). Trong 5 năm gần đây, đầu tư vào thị trường Edtech luôn tăng lũy tiến 1,5-2 lần. Trong năm 2021, có khoảng 3 tỷ người tham gia học E-learning trên toàn thế giới. Tính riêng tại Việt Nam, thị trường Edtech được định giá khoảng 3 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào cuối năm 2022. Nhiều liên minh công nghệ giáo dục đã được xây dựng, các doanh nghiệp Edtech nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam ngày một mạnh mẽ. Trong năm nay, Edtech được dự báo sẽ tiếp tục nằm trong top 3 lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm rót vốn nhiều nhất.

Các diễn giả tham gia Hội thảo

Bên cạnh đó, các chính sách linh hoạt về giáo dục trong tình hình đại dịch cũng là yếu tố quan trọng giúp thị trường này có thêm đà tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2021, Việt Nam dịch chuyển từ trạng thái “giáo dục ứng phó với đại dịch” sang trạng thái “giáo dục thích nghi với đại dịch”. Đặc biệt, chỉ đạo sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Techfest Vietnam 2021 đã dẫn dắt và kiến tạo nền tảng tư tưởng trong thiết kế và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở trong giáo dục. Bước sang năm 2022, hệ sinh thái Edtech Việt Nam tiếp tục hướng tới những sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó định hướng tập trung đồng bộ các nền tảng công nghệ, tăng cường năng lực số của người dạy và người học, từ đó chuẩn hoá và phát triển đa dạng học liệu số, giải quyết các thách thức từ thực tiễn ngành giáo dục, kết nối với các lĩnh vực công nghệ khác ở trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo mở, nâng cao chất lượng giáo dục, liên kết các chủ thể giải quyết các bài toán được đặt ra, khai thác tiềm năng và thu hút đầu tư nước ngoài; nhấn mạnh vai trò của các chủ thể và việc cần thiết kết nối các bên nhằm giải quyết bài toán về chất lượng giáo dục và tâm lý hậu đại dịch. Nhà nước và các tổ chức, tập đoàn cần có những “bài toán mới” trong quản lý, vận hành và kết nối với “lời giải” từ doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong mô hình liên kết đó, cần có “sợi dây” kết nối trung gian các doanh nghiệp khởi nghiệp với vườn ươm, tổ chức hỗ trợ để cùng hoàn thiện giải pháp, sáng kiến.

MN

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)