GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 thăm hỏi bé.
Trước đó, tháng 7/2021, bệnh nhi được phẫu thuật cắt gan do u nguyên bào gan ác tính tại TP Hồ Chí Minh. Sau mổ, khối u tiếp tục phát triển ở phần gan còn lại. Dù đã được điều trị hóa chất 10 chu kỳ ở trong nước và nước ngoài (Thái Lan), tuy nhiên, khối u không đáp ứng với điều trị, dấu ấn ung thư (AFP) không giảm mà tiếp tục tăng rất cao. Trước tình hình đó, ghép gan là lựa chọn duy nhất để chữa trị cho bé.
Đại tá, TS Lê Văn Thành - Viện phó Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Đây là ca ghép gan nhỏ tuổi nhất với bệnh lý phức tạp, khó khăn tại Bệnh viện TWQĐ 108. Thể trạng của cháu bé yếu, nặng chưa đầy 15 kg do 10 đợt điều trị hóa chất liên tục. Sau điều trị hóa chất xuất hiện tình trạng ức chế tủy xương, thiếu máu, bạch cầu giảm”.
Sau hội chẩn của Hội đồng chuyên môn Bệnh viện, kíp ghép gan đã tiến hành phẫu thuật nội soi lấy 2 hạ phân thuỳ II và III của gan trái từ người cho sống (cô của bệnh nhi) để tiến hành ghép gan cho bé. Sau 7 h, ca ghép được thực hiện thành công. Một tuần sau ghép gan, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, giao tiếp và vận động nhanh nhẹn, chức năng gan ghép hoạt động tốt, các thông số hô hấp, huyết động… trong giới hạn bình thường.
Có thể nói, với việc ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người cho sống tại Bệnh viện TWQĐ 108 đã đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép gan, góp phần nâng cao trình độ chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam và mở ra triển vọng cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Quang Minh