Chủ nhật, 24/11/2019 21:12

Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư

chuanhtra

Trong chuỗi sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ 2019 (Techdemo 2019) diễn ra tại Gia Lai từ ngày 24-26/11/2019 đã diễn ra Hội thảo “Xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư” do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức với mục đích thúc đẩy hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Bối cảnh hội nhập và phát triển đã và đang tạo ra sức ép ngày càng lớn để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là những công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Các trang thiết bị, công nghệ mới không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đang có, mà còn mở ra cơ hội tạo ra các sản phẩm mới, đáp ứng tiêu chuẩn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của công nghệ thì việc mua công nghệ là chưa đủ, doanh nghiệp cần phải nhận chuyển giao và hấp thụ được quy trình vận hành, bí quyết công nghệ... Nói cách khác, hoạt động đầu tư cần phải gắn với chuyển giao công nghệ.  
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kết nối, chuyển giao công nghệ, nổi bật là Luật Chuyển giao công nghệ 2017 với nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung. Mặt khác, với nhận thức đầy đủ về vai trò của công nghệ, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư chuyển giao công nghệ và đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận, ví dụ: Tập đoàn Việt Nam Food hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Trường Đại học Nha Trang nhằm đổi mới công nghệ sản xuất chitosan từ phụ phẩm tôm giúp sản phẩm giảm tới 1/3 giá thành, dự kiến có thể đóng góp thêm đến 10-15% tổng giá trị chuỗi giá trị của tôm Việt Nam so với hiện nay; Công ty Hanwha Aero Engines của Hàn Quốc đã được khánh thành tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là nhà máy đầu tiên sản xuất động cơ máy bay tại Việt Nam, có vốn đầu tư 200 triệu USD, với trên 40 kỹ thuật viên của công ty mẹ tại Hàn Quốc đào tạo cho khoảng 200 kỹ thuật viên Việt Nam để thực hiện mục tiêu trở thành cơ sở cung cấp động cơ hàng không toàn cầu, xuất khẩu cấu kiện động cơ hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên thế giới... Tuy nhiên, theo các đại biểu để thúc đẩy hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo ra môi trường pháp lý dễ tiếp cận với doanh nghiệp; có cơ chế thu hút các bên liên quan để tạo dựng mạng lưới liên kết, đặc biệt là giữa khu vực nghiên cứu và khu vực sản xuất; tăng cường hơn nữa hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ; có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị quản lý khoa học từ trung ương tới địa phương...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông cho biết, Hội thảo nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giữa các chuyên gia với những người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hoạt động chuyển giao công nghệ và chính sách hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, cùng nhau trao đổi về các chính sách, thành tựu, đóng góp của KH&CN trong các ngành, lĩnh vực thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày một số tham luận: Nhu cầu và chính sách hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam; Triển khai hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp tại V-KIST; Công nghệ phục vụ phát triển bền vững; Công nghệ phát điện, sản xuất dầu và cải tạo đất yếu từ rác thải; Ứng dụng công nghệ xanh trong quá trình sản xuất; Năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao...
 
CT
 
 
 
 
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)