Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, trong những năm gần đây, “Phát triển bền vững” được nhiều tổ chức, quốc gia coi đó như một mô hình phát triển trong những năm gần đây. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn tin rằng, CISD2021 tạo ra một diễn đàn có giá trị cho tất cả các nhà khoa học, chuyên gia tại Việt Nam và quốc tế để thảo luận về các khía cạnh khác nhau của phát triển bền vững. “Hội thảo sẽ tạo ra một nền tảng đa ngành để trao đổi học thuật và nghiên cứu cũng như tạo cơ hội quý báu để thúc đẩy sự hợp tác tích cực giữa các nhà nghiên cứu trong ĐHQGHN và với các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia Nhật Bản”- Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn bày tỏ mong muốn.
GS Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật chia sẻ, đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Việt Nhật với các đối tác nhằm tạo động lực và nền tảng trao đổi khoa học và công nghệ đa ngành giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông Furuta Motoo tin rằng, các diễn giả, nhà khoa học sẽ đưa ra những ý tưởng hấp dẫn và mang tính xây dựng với nhiều hy vọng như là giải pháp dựa trên thiên nhiên kết hợp với công nghệ cũng như sự tích hợp và sức mạnh tổng hợp giữa các chính sách và các hành động cụ thể của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp để hướng tới phát triển bền vững.
GS Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận một số tham luận như: "Năng lượng cho sự phát triển bền vững trong kỷ Nhân sinh" của GS Kensuke Fukushi - Đại học Tokyo; "Tích hợp giảm nhẹ và thích ứng hướng tới phát triển thích ứng với khí hậu" của GS Mimura - Đại học Ibaraki; “Xây dựng xã hội có khả năng chống chịu và Carbon thấp để Ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn và phát triển bền vững” của GS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc Chương trình thạc sỹ biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Trường Đại học Việt Nhật; “Phát triển Quỹ đầu tư xanh - kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam” của ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; “Những kinh nghiệm về kiểm toán việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” của TS Vũ Văn Họa - Phó Tổng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam; “Giáo dục ở Việt Nam: những vấn đề thực tiễn và chính sách đổi mới” của GS.TS Lê Ngọc Hùng - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Ngày thứ 2 của hội thảo đã diễn ra 11 phiên song song trực tuyến trên nền tảng zoom tại đầu cầu của Trường Đại học Việt Nhật và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với hơn 8 tác giả trong nước và nước ngoài đã trình bày các kết quả nghiên cứu có có chất lượng tại các phiên song song.
NH