Nhân lực KH&CN biển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ quan điểm: Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước, sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển.
Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng Trần Quang Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Trên địa bàn Hải Phòng hiện có 19 tổ chức KH&CN lĩnh vực biển và môi trường biển, trong đó có một trường đại học (Đại học Hàng hải Việt Nam) và ba viện nghiên cứu lớn của Trung ương (Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Nghiên cứu Hải sản và Viện Y học biển). Bốn viện, trường này là các đơn vị tập hợp được đội ngũ cán bộ KH&CN biển lớn và tinh túy nhất của thành phố với trên 60 giáo sư, phó giáo sư; gần 250 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học; 630 thạc sỹ. Bên cạnh đó, còn một số lượng không nhỏ cán bộ KH&CN biển hoạt động tại các tổ chức KH&CN, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp…
Hội thảo cũng đặt ra yêu cầu với thành phố trong bối cảnh hiện nay là phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, có chuyên môn sâu về biển và đại dương.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thu hút đông đảo các chuyên gia, các nhà quản lý.
Kết luận tại hội thảo, TS Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng nêu rõ một số giải pháp phát triển nhân lực KH&CN biển: (1) Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, các nhà nghiên cứu và quản lý về vai trò của KH&CN biển nói chung và nhân lực KH&CN biển nói riêng; (2) Phát triển nhân lực KH&CN biển phải gắn với chuyển đổi số trong bối cảnh mới; (3) Cần đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển, xác định thay đổi cơ cấu việc làm, từ đó sẽ có cơ chế chính sách mới, đặc thù và phù hợp phát triển nhân lực KH&CN biển; (4) Nâng cao trách nhiệm, vai trò của Sở KH&CN Hải Phòng, các viện nghiên cứu, trường đại học, về KH&CN biển; (5) Cần tăng cường, mở rộng hợp tác, trong đó chú trọng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan quản lý và các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học để tăng cường cho công tác nghiên cứu KH&CN biển, từ đó sẽ làm cơ sở, động lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN cho thành phố. Những giải pháp sẽ góp phần làm căn cứ để thành phố xây dựng chiến lược phát triển nhân lực KH&CN biển trong thời gian tới.
Nguyễn Lưu