Thứ năm, 18/11/2021 16:09

Biển Đông: Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn

Ngày 18/11/2021, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức đã chính thức khai mạc. Hội thảo có chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn", thu hút sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 600 đại biểu trong nước và quốc tế cùng nhiều phóng viên đến từ các hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định: với vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những diễn biến và phát triển ở Biển Đông sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới. Trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của thế giới. Vì vậy, thế giới đang cần chung tay, hợp tác vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày (18-19/11/2021) với 8 phiên chính thức về các chủ đề: Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi; 30 năm sau chiến tranh lạnh: liệu một cuộc chiến tranh lạnh mới đang nhen nhóm và cách thức ngăn chặn bùng phát thành xung đột; Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua; Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông; ASEAN và QUAD (bộ tứ kim cương, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) trong cấu trúc khu vực; Đứt gãy chuỗi cung ứng: đảm bảo khả năng phục hồi các tuyến đường biển trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương; Sự minh bạch thông qua công nghệ giám sát. Ngoài ra còn có 3 phiên dành cho thế hệ trẻ chia sẻ quan điểm, góp thêm tiếng nói về vấn đề Biển Đông.

MN
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)