Trong gần 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố đều trên cả nước. Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước. Nhưng, song hành với nó là những hạn chế, những khó khăn, thách thức do sự phát triển không tương xứng: chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đồng bộ, quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng lượng thiếu hiệu quả, gây phát thải lớn… Để góp phần giải quyết những khó khăn này, hội thảo năm nay tập trung vào các giải pháp quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển đô thị bền vững.
Các chuyên gia tham dự hội thảo đều đồng tình với quan điểm, để tăng sức đề kháng cho hệ thống đô thị, đặc biệt là đô thị nhỏ, mật độ dân cư thấp cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng thúc đẩy khu đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh, bền vững, mang lại nhiều giá trị sống tốt hơn cho người dân và tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô.
Sự thành công của hội thảo là tiền đề trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao năng lực xây dựng các cơ chế chính sách, đảm bảo phát triển hệ thống đô thị Việt Nam một cách bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần hiện thực hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Xuân Bình