Việc đưa công tác hỗ trợ khởi nghiệp vào nhà trường chính là để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng và động lực trong học tập, rèn luyện giúp người học có tinh thần phục vụ cộng đồng, xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, đưa dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Đây là nhận định của các đại biểu tại tọa đàm: “Xây dựng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học” do Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 19/10/2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thì các trường đại học phải đổi mới mạnh mẽ, phải có nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt. Các trường cần biết đổi mới sáng tạo là gì, các dự án các công trình đang diễn ra của các nhà khoa học có hay không; cần phải có sự kết nối như thế nào với các bộ/ngành, hiểu được những công trình nghiên cứu, hiểu được môi trường, tài liệu hiện có trong khởi nghiệp là gì. Khi biết rồi thì phải hiểu sâu để kết nối. Bên cạnh đó, mỗi cơ sở giáo dục cần phải có trung tâm kỹ thuật để hỗ trợ sinh viên. Sinh viên khi đã hiểu được mình phải có trách nhiệm trong đổi mới sáng tạo khởi nghiệp thì phải biết mình đang thiếu cái gì, kết nối với những đâu, với những nhà doanh nghiệp, nhà khoa học nào để tìm tòi những đề án thành công, chưa thành công trong lĩnh vực mình quan tâm.
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, với sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải luôn đặc biệt quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường trọng điểm quốc gia theo định hướng ứng dụng, có một số ngành đạt trình độ ngang bằng với các trường đại học có uy tín trong nước và khu vực.
Công Tùng - Xuân Diện