Chương trình được xây dựng nhằm 3 mục tiêu chính: i) Cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; (ii) Đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; (iii) Xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị
Qua 5 năm thực hiện (2016-2020), 52/52 đề tài của Chương trình đã hoàn thành, trong đó có: 30% số đề tài có (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học), đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng; 70% số đề tài có kết quả góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở bộ, ngành, địa phương; 80% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao các kết quả mà Chương trình đạt được, đặc biệt có nhiều kết quả nghiên cứu được sử dụng trong xây dựng và hoàn thiện Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thứ trưởng nhấn mạnh trong giai đoạn tới, Chương trình cần được tái cấu trúc với định hướng có tiêu chí đánh giá tác động hiệu quả kinh tế - xã hội từ kết quả các nghiên cứu mang lại. Ông cho rằng, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và lượng hóa được hiệu quả là rất cần thiết trong giai đoạn tới.