Thứ ba, 31/08/2021 21:15

Các công nghệ y tế tiên tiến cho COVID-19 và những bệnh ưu tiên khác

Ngày 31/8/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Bản tóm tắt mới về các công nghệ y tế tiên tiến cho COVID-19 và những bệnh ưu tiên khác. Mục tiêu chính của tài liệu này là lựa chọn và đánh giá các công nghệ có thể có tác động tức thì, trong tương lai đối với việc chuẩn bị và ứng phó với COVID-19; có khả năng cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống; và/hoặc đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu y tế chưa được đáp ứng tại các quốc gia/vùng có nguồn lực thấp.

Đại dịch COVID-19 đã đã đặt ra nhu cầu về các công nghệ y tế sáng tạo có thể giúp các quốc gia cải thiện kết quả y tế bằng cách cung cấp các giải pháp tốt nhất có thể mặc dù thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực. Tuy nhiên, nhiều công nghệ mới được đưa ra thị trường lại không có tính khả thi vì bệnh nhân không có khả năng chi trả hoặc không phù hợp với các nước có thu nhập thấp và trung bình. Để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong ngành y tế, WHO đã biên soạn một bản tóm tắt gồm 24 công nghệ mới có thể được sử dụng ở những nơi có nguồn lực thấp.

TS Mariângela Simão - Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận sản phẩm y tế cho biết: “Các công nghệ tiên tiến đang đẩy nhanh khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở mọi nơi, nhưng chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng luôn sẵn có ở tất cả các cơ sở y tế với giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng. WHO sẽ tiếp tục làm việc với các chính phủ, nhà tài trợ và nhà sản xuất để thúc đẩy nguồn cung cấp bền vững các công cụ này trong và ngoài trường hợp khẩn cấp COVID-19”.

Mục tiêu chính của tài liệu này là lựa chọn và đánh giá các công nghệ có thể có tác động tức thì, trong tương lai đối với việc chuẩn bị và ứng phó với COVID-19; có khả năng cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống; và/hoặc đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu y tế chưa được đáp ứng tại các quốc gia/vùng có nguồn lực thấp.  Cụ thể là:

Thứ nhất, chọn các công nghệ tiên tiến có thể có tác động tức thì hoặc trong tương lai đối với sự chuẩn bị và ứng phó với COVID-19, có tiềm năng cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống và/hoặc đưa ra các giải pháp cho nhu cầu về công nghệ y tế/chăm sóc sức khỏe chưa được đáp ứng bằng cách đánh giá sự phù hợp, chất lượng và an toàn của chúng. 

Thứ hai, làm sáng tỏ những thuận lợi và thách thức liên quan đến việc áp dụng các công nghệ y tế tiên tiến ở những nơi có nguồn lực thấp.

Thứ ba, ghi nhận một số câu chuyện thành công, đồng thời nâng cao nhận thức về nhu cầu bức thiết về các giải pháp phù hợp, giá cả phải chăng và khuyến khích những nỗ lực đổi mới hơn trong lĩnh vực này.

Thứ tư, khuyến khích sự tương tác nhiều hơn giữa các Bộ Y tế, cơ quan mua sắm, nhà tài trợ,  nhà phát triển công nghệ, nhà sản xuất, bác sỹ lâm sàng, học giả và công chúng để đảm bảo đầu tư nhiều hơn vào công nghệ y tế phù hợp và tiến tới tiếp cận phổ cập các công nghệ y tế thiết yếu.

Thứ năm, hỗ trợ các quyết định mua sắm được thông báo của các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và các bên liên quan khác.

Tài liệu do WHO công bố bao gồm các mặt hàng đơn giản, từ phụ gia tẩy màu (cho phép mắt thường xác định các bề mặt và vật thể không được khử trùng), đến các thiết bị phức tạp hơn nhưng dễ sử dụng như hệ thống theo dõi hô hấp di động và máy thở có pin mở rộng có thể sử dụng ở những nơi không có điện hoặc không ổn định. Danh sách này cũng bao gồm một cơ sở y tế có thể triển khai cho các trường hợp khẩn cấp.

Một số công nghệ đã được sử dụng và đã chứng minh được giá trị của chúng thông qua các chương trình thử nghiệm. Ví dụ, máy tạo oxy chạy bằng năng lượng mặt trời đã có hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh viêm phổi, khiến 900.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm tại một bệnh viện nhi khu vực ở Somalia. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, khả năng tiếp cận oxy đáng tin cậy có thể làm giảm 35% số ca tử vong ở trẻ em do viêm phổi. Do tình trạng thiếu oxy ở nhiều quốc gia, máy tạo oxy bằng năng lượng mặt trời là một công cụ quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID nhập viện ở một số quốc gia có nguồn lực thấp.

WHO đã đánh giá các công nghệ tiên tiến trong y tế trong 10 năm qua, một số sản phẩm được lựa chọn hiện đang giải quyết các vấn đề sức khỏe ưu tiên ở những nơi có nguồn lực thấp. Một ví dụ quan trọng là một ứng dụng điện thoại thông minh cho phép người dùng ghi lại các kết quả đo huyết áp chính xác ngay lập tức. Điều này giúp ích cho hàng trăm triệu người đang bị bệnh huyết áp cao (theo một báo cáo do WHO công bố tuần trước, số người trưởng thành từ 30-79 tuổi bị tăng huyết áp đã tăng từ 650 triệu lên 1,28 tỷ người trong 30 năm qua và gần một nửa số người này không biết mình bị tăng huyết áp). Điện thoại thông minh được cung cấp rộng rãi, ngay cả ở những vùng hẻo lánh nhất hoặc những nơi có nguồn nguồn lực thấp, biến điện thoại thông minh hiện có thành một thiết bị y tế có khả năng đo huyết áp chính xác mà không cần thêm bất kỳ thiết bị hoặc phụ kiện nào khác. Ưu điểm khác của ứng dụng là ngay cả khi không có nhân viên y tế được đào tạo, bệnh nhân có thể tự kiểm tra và quản lý huyết áp của mình tốt hơn.

Bản tóm tắt mới của WHO về các công nghệ y tế sáng tạo cho COVID-19 và các bệnh ưu tiên khác được biên soạn bởi một nhóm chuyên gia quốc tế cùng với các nhóm kỹ thuật của WHO, trên cơ sở: tuân thủ các thông số kỹ thuật của WHO về hiệu suất, chất lượng và an toàn; tính phù hợp đối với những quốc gia/vùng có nguồn lực thấp; có khả năng chi trả; dễ sử dụng; trạng thái phê duyệt theo quy định. Thông tin này rất quan trọng để giúp các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ quyết định mua sản phẩm nào. Kết luận về tính phù hợp của từng công nghệ được chấm điểm, nó cho biết sản phẩm được khuyến nghị (để sử dụng mà không có bất kỳ giới hạn nào đã biết); khuyến cáo một cách thận trọng (các hạn chế có thể đã được xác định liên quan đến việc bảo trì và cần có nhân viên được đào tạo); hoặc không được khuyến nghị (không phù hợp, không an toàn hoặc không có khả năng chi trả).

Thu Hường (theo who.int)

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)