Thứ ba, 31/08/2021 18:45

Giống lúa thứ hai được công nhận giống mới triển vọng quốc gia từ kết quả hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Mới đây, giống lúa DCG66*1 - kết quả hợp tác nghiên cứu phát triển giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam với Đại học Kyushu và Đại học Nagoya của Nhật Bản đã được công nhận là giống mới cấp quốc gia. Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển cây trồng cải tiến cho vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam" do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và công nghệ Nhật Bản (JST) đồng tài trợ. Đây là giống lúa thứ hai trong Dự án được công nhận giống quốc gia, sau giống lúa DCG72*3 được công nhận vào tháng 12/2019.

Các nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản thăm thực địa

Điểm đột phá của Dự án là rút ngắn đáng kể thời gian từ khi bắt đầu chọn tạo giống đến khi được công nhận giống, giảm chi phí khảo nghiệm và mở rộng sản xuất, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thông thường, ở Việt Nam cần 15-20 năm kể từ khi bắt đầu chọn tạo giống lúa mới đến khi giống mới được công nhận là giống quốc gia. Quá trình này trải qua nhiều giai đoạn, dòng lúa mới triển vọng cần phải được khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng, khảo nghiệm sản xuất, đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh, sản xuất thử với diện tích từ 600 ha trở lên và phải được sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh và người sản xuất đánh giá cao, từ đó mới có thể làm hồ sơ xin công nhận giống mới để tiến tới sản xuất thương mại.

Dự án đã ứng dụng chỉ thị phân tử DNA trong chọn lọc nhằm xác định chính xác các cá thể mang gen quy định tính trạng mong muốn. Nhờ vậy giúp giảm thời gian chọn tạo giống, giảm công sức và chi phí. Ngoài ra, Dự án đã đẩy nhanh tiến độ lai tạo các thế hệ, chọn lọc và nhân hạt giống bằng cách gieo trồng 3 vụ/năm, trong đó 2 vụ tại miền Bắc (vụ xuân, vụ mùa) và một vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long (vụ thu đông). Kết quả là giống lúa thứ hai đã được công nhận là giống lúa quốc gia trong khoảng 10 năm kể từ khi Dự án bắt đầu triển khai.

Ngoài ra, nhờ công nghệ chỉ thị phân tử DNA trong chọn giống có tính linh hoạt nên có thể áp dụng kỹ thuật này vào chọn tạo các giống cây trồng khác. Thành công của dự án được kỳ vọng sẽ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

CM

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)