Thứ sáu, 30/07/2021 13:23

Đề tài KX.01.43/16-20 được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá đạt xuất sắc

Ngày 28/7/2021, Chương trình KX.01/16-20 và Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề “Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu trong bối cảnh mới”, mã số tài KX.01.43/16-20 do PGS.TS Đỗ Hương Lan làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu châu Âu là chủ trì.

Đề tài KX.01.43/16-20 là nhiệm vụ KH&CN trọng điểm cấp nhà nước thứ hai thuộc Chương trình KX.01/16-20 được bảo vệ theo phương thức trực tuyến.

Đây là nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp Nhà nước thứ hai thuộc Chương trình KX.01/16-20 được bảo vệ theo phương thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tham dự buổi nghiệm thu có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Chủ tịch Hội đồng), các thành viên trong Hội đồng đánh giá cấp Nhà nước; GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20; đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học xã  hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN); và các thành viên của đề tài.

Với các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, phỏng vấn chuyên gia, điều tra xã hội học trên diện rộng gồm các đối tượng: doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp KH&CN, khách du lịch từ Liên minh Kinh tế Á - Âu đến Việt Nam (cụ thể là Khánh Hòa), cá nhân và doanh nghiệp đang kinh doanh tại Liên minh Kinh tế Á - Âu, chuyên gia, nhà quản lý, cùng với các chuyến khảo sát thực địa tại Liên minh Kinh tế Á - Âu…

Kết quả nghiên cứu của PGS.TS Đỗ Hương Lan và cộng sự đã đạt được các kết quả sau:

Thứ nhất, đề tài đã xây dựng và hoàn thiện khung lý thuyết về hợp tác kinh tế toàn diện  giữa một quốc gia và liên kết kinh tế quốc tế trong bối cảnh hội nhập theo cách tiếp cận của kinh tế quốc tế, trong đó đã chỉ rõ khái niệm, nội hàm, các nhân tố tác động, các tiêu chí đo lường, cơ sở hợp tác kinh tế toàn diện. Theo đó, hợp tác kinh tế có thể được hiểu là một hình thức hợp tác quốc tế nhằm tận dụng các lợi thế lẫn nhau thông qua sử dụng nguồn tài chính, nguyên vật liệu và công nghệ của tất cả các đối tác. Hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai quốc gia hoặc một quốc gia với Liên minh kinh tế là sự trao đổi mang lại lợi ích cho các bên dựa trên cơ sở của phân công lao động quốc tế trên nhiều lĩnh vực gồm thương mại hàng hoá và dịch vụ, đầu tư, di chuyển sức lao động, hợp tác quốc tế về KH&CN…

Thứ hai, đề tài đã phân tích và đánh giá cơ sở kinh tế và cơ sở pháp lý của hoạt động hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, chỉ rõ nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của mỗi bên trong hợp tác trên các bình diện lợi thế so sánh động cũng như lợi thế so sánh tĩnh.

Thứ ba, đề tài đã phân tích và đánh giá các kết quả hợp tác trên các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ đầu tư, lao động, các nhân tố tác động, những rảo cản trong hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu,  sự ảnh hưởng của các vấn đề tự do hóa đầu tư, thương mại của Việt Nam và các nước EAEU đến luồng thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EAEU, vấn đề thu hút kiều hối từ EAEU về Việt Nam và độ bền vững của luồng kiều hối này, hoạt động kinh tế - thương mại của cộng đồng người Việt tại Nga…

Thứ tư, trên cơ sở phân tích bối cảnh mới với sự biến dịch về địa chiến lược của các nước lớn trong quan hệ với LB Nga và Liên minh Kinh tế Á - Âu, triển vọng của nền kinh tế hế giới, xu hướng phát triển của Liên minh Kinh tế Á - Âu cùng với tác động của đại dịch Covid cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đề tài đã đưa ra hệ quan điểm, các định hướng và đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, trong đó chú trọng tới hợp tác sản xuất dựa trên thế mạnh của mỗi bên cũng như khai thác tiềm lực về KH&CN phục vụ cho sản xuất từ phía Liên minh Kinh tế Á - Âu cũng như tăng cường hợp tác về KH&CN. Hợp tác sản xuất cũng sẽ thúc đẩy hợp tác về thương mại, đồng thời giúp khai thác có hiệu quả các nguồn lực của mỗi bên

PGS.TS Đỗ Hương Lan - chủ nhiệm đề tài cho biết, Liên minh Kinh tế Á - Âu có vị trí đáng nể trong nền kinh tế thế giới về diện tích, tài nguyên thiên nhiên, năng lực sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểm lực KH&CN. Đây cũng là khu vực có quan hệ kinh tế chính trị đặc biệt với Việt Nam. Các thành viên của Liên minh đều là những đối tác truyền thống của Việt Nam từ thời Liên xô cũ với 70 năm hợp tác dựa trên nền tảng tình hữu nghị thủy chung, tin cậy, gắn bó, trải qua những thăng trầm trong lịch sử, hiện nay cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cơ cấu kinh tế của Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau. Thị trường của Liên minh không khó tính, nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh còn khá lớn, song kết quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng của các bên cũng như chưa tương xứng với quan hệ chính trị. Vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà. Để thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đòi hỏi hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như các biện pháp ưu đãi, khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa với các doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu mong muốn các kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định sự cần thiết phải phát triển hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu lên tầm cao mới về chất.

Mặc dù đề tài được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng ở cả Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, song đề tài đã tổ chức được 3 hội thảo quốc tế với các đối tác ở Liên minh Kinh tế Á - Âu và 1 Diễn đàn kết nối kinh doanh với Belarus online trên cơ sở phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Belarus kết nối trực tuyến cho 100 doanh nghiệp giữa hai nước. Đề tài đã công bố 3 bài báo có chỉ số Scopus Q2 và ESCI, vượt trội so với đăng ký, 1 bài báo quốc tế thường, 3 bài báo trong nước, 1 sách chuyên khảo, đào tạo 2 tiến sỹ và 2 thạc sỹ theo hướng nghiên cứu. Ngoài ra, với mục đích tạo cơ sở dữ liệu và thông tin về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, phổ biến và quảng bá thông tin về thị trường các bên cho các giới doanh nghiệp, nghiên cứu…, nhóm nghiên cứu đã xây dựng trang thông tin điện tử về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu với tên miền là eurasiavn.com

Với nhiều kết quả vượt trôị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt mức xuất sắc.

VVH

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)