Thứ ba, 06/07/2021 10:08

Ô nhiễm không khí của Hà Nội đến từ đâu?

Không khí của Hà Nội ô nhiễm do hoạt động công nghiệp chiếm29%; đốt rơm rạ, sinh khối chiếm 26%; bụi đường chiếm 23% và giao thông chiếm 15%. Ngoài ra còn có các nguồn khác bao gồm từ quá trình đốt từ các hộ gia đình, từ các làng nghề và đốt rác thải. Số liệu này được Ngân hàng Thế giới (WB) và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố mới đây tại hội thảo trực tuyến “Quản lý chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp”.

Báo cáo tại hội thảo của WB cho biết, từ tháng 8/2019 đến 7/2020, WB đã thu 80 mẫu bụi mịn tại điểm đo ở trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường tại Cầu Giấy và Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc tại 559 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và mang về Viện Khí tượng Phần Lan phân tích. Kết quả cho thấy lượng bụi PM 2.5 trung bình của hai điểm đo này lần lượt là 46 μm/m3 và 49 μm/m3. Giai đoạn tháng 10 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020 tăng lên 150-200 μm/m3. Các chỉ số này vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam (25 μm/m3) và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (10 μm/m3). Nồng độ PM2.5 của Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030.

Kiểm kê nguồn phát thải bụi mịn cho thấy, hoạt động công nghiệp tạo ra 29% tổng lượng bụi mịn PM2.5 ở khu vực Hà Nội. Các nguồn thải khác bao gồm đốt rơm rạ, sinh khối ngoài trời tạo ra 26%, bụi đường tạo ra 23% và giao thông (chủ yếu giao thông đường bộ) tạo ra 15%. Ngoài ra còn có các nguồn khác bao gồm từ quá trình đốt từ các hộ gia đình, từ các làng nghề và đốt rác thải. 1/3 lượng bụi mịn PM2.5 đến từ các nguồn thải tại địa bàn Hà Nội, và 2/3 còn lại đến từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, vận chuyển quốc tế và các nguồn tự nhiên.

Để tiêu chuẩn không khí Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới, báo cáo của WB khuyến nghị Hà Nội cần kết hợp với các tỉnh lân cận thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, chi phí y tế và phúc lợi xã hội do các bệnh do bụi mịn PM2.5 chiếm 7,74% tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, thống kê trên 15 tỉnh khu vực phía Bắc, gồm: 1) Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; 2) 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 3) 4 tỉnh khu vực miền núi và Bắc Trung Bộ, chỉ riêng Hà Nội chiếm tới 32% tổng số ca tử vong do các bệnh do gây ra do tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 lâu ngày, cao thứ hai sau khu vực Đồng bằng sông Hồng (41%).

VVH

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)