Thứ hai, 14/06/2021 13:46

Thúc đẩy sức mạnh tập thể để giải quyết các thách thức khu vực ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với cuộc “khủng hoảng kép” gây ra bởi các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Về mặt an ninh truyền thống, vấn đề xung đột lợi ích trong khai thác và quản trị nguồn nước xuyên quốc gia trên sông Mekong cho thấy khu vực này đang dần trở thành điểm nóng địa chính trị tiếp theo trong khu vực. Khả năng này được củng cố bởi các sáng kiến hợp tác tham vọng của Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng với sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế. Các cơ chế hợp tác ở sông Mekong một mặt mang đến cơ hội phát triển cho các quốc gia Đông Nam Á lục địa ven sông Mekong, nhưng mặt khác cũng cho thấy một tương lai cạnh tranh địa chiến lược đầy thách thức.

Trên biển Đông, sự khác biệt trong quan điểm đối ngoại của các nước thành viên khiến ASEAN gặp nhiều khó khăn trong thể hiện vai trò “tiếng nói khu vực” trong đàm phán với Trung Quốc. Nỗ lực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) gần hai thập kỷ càng cho thấy ít triển vọng trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu từ đại dịch COVID-19. Trong khi phần lớn sự chú ý đang đổ dồn về nỗ lực chống dịch và khôi phục kinh tế ở các nước ASEAN, Trung Quốc liên tục gia tăng các nỗ lực cưỡng chiếm trong chiến lược “vùng xám” nguy hiểm trên thực địa.

Biển Đông và tiểu vùng Mekong được xem là hai khu vực địa chiến lược quan trọng bật nhất ở Đông Nam Á về mặt an ninh, kinh tế và thương mại. Đây đồng thời cũng là hai khu vực cạnh tranh địa chính trị phức tạp giữa các siêu cường. Tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 hiện nay càng tạo thêm áp lực với các nước ASEAN ở biển Đông lẫn tiểu vùng Mekong trong lực chọn chiến lược đối ngoại cân bằng trong quan hệ với các nước lớn hậu Covid-19. Vai trò của ASEAN và “Con đường ASEAN” (ASEAN Way) vốn dựa trên nguyên tắc tham vấn và đồng thuận, tránh xung đột và không can thiệp vấn đề nội bộ của nhau, đang trở nên bị thách thức hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện tại, khi mà các vấn đề an ninh truyền thống ở biển Đông và lưu vực sông Mekong đang trở nên phức tạp khi có sự cộng hưởng của những vấn đề an ninh mới nổi như dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, mất an ninh môi trường và khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Trước bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu an ninh Stimson Center (Mỹ), Trung tâm Quản lý và chính sách tiên tiến Đức (CPG), Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) và Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia (CICP) đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến chủ đề “ASEAN trước ngã tư đường: Thúc đẩy sức mạnh tập thể để giải quyết các thách thức khu vực”.  Hội thảo được tổ chức trực tuyến trong 2 ngày (10 và 11/6/2021) bao gồm 4 phiên thảo luận trực tiếp xoay quanh các chủ đề được quan tâm hiện nay: COVID-19 đã tạo ra thay đổi chiếc lược gì trên biển Đông, vấn đề Mekong quan trọng thế nào với ASEAN, các giải pháp ứng phó các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở biển Đông và tiểu vùng Mekong.

Nguyễn Minh Quang
 


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)