ĐHQG Hà Nội lần thứ 4 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 các trường đại học hàng đầu thế giới. Mặc dù liên tục duy trì ở nhóm thứ hạng này, nhưng điểm xếp hạng của ĐHQG Hà Nội ngày càng gia tăng, dẫn tới thứ hạng tuyệt đối trong bảng xếp hạng cũng dần được nâng cao. Cụ thể, trong 3 lần xếp hạng trước, ĐHQG Hà Nội đứng trong nhóm 78,5% (2019), 74,9% (2020), 67,5% (2021) các trường đại học hàng đầu. Ở lần xếp hạng lần này, ĐHQG Hà Nội vươn lên đứng trong nhóm 61,6% các trường đại học hàng đầu thế giới. Cùng trong nhóm 801-1000 là ĐHQG TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 1001-1200 và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm 1201+.
ĐHQG Hà Nội lần thứ 4 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 các trường đại học hàng đầu thế giới.
QS WUR 2022 xếp hạng cho 1.300/1.673 cơ sở giáo dục thuộc 93 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong số này, 145 trường lần đầu tiên tham gia xếp hạng. Dữ liệu phục vụ xếp hạng được lấy từ 2 triệu đề cử của học giả và 450.000 đề cử của nhà tuyển dụng, thu thập 130.000 phản hồi của học giả và 75.000 nhà tuyển dụng toàn cầu, phân tích 96 triệu trích dẫn (giai đoạn 2015-2020) từ 14,7 triệu bài báo (giai đoạn 2015-2019).
QS WUR xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, bao gồm: đánh giá của học giả (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), số trích dẫn/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%) và tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%). Tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có 3 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó có 2 trường đại học nằm trong top 15 thế giới (Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 11 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng thứ 12) và Trường Đại học Quản lý Singapo (Singapore Management University) thuộc nhóm 511-520.
Malaysia có 22 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (tăng 2 cơ sở giáo dục so với QS WUR 2021), trong đó Đại học Malaya (UM) có thứ hạng tốt nhất là 65 thế giới và có 8/22 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 thế giới. Sau Malaysia là Thái Lan với 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (tăng 2 so với QS WUR 2021), trong đó Đại học Chulalongkorn có thứ hạng tốt nhất là 215. Philippines có 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó Đại học Philippines có thứ hạng tốt nhất là 399. Indonesia có 16 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng (tăng 8 so với QS WUR 2021), trong đó Đại học Indonesia có thứ hạng tốt nhất là 254.
Trong top 10 thế giới, các cơ sở giáo dục của Anh và Mỹ vẫn là những cái tên quen thuộc có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Mỹ tiếp tục là quốc gia của các trường đại học hàng đầu thế giới, với 5 cơ sở giáo dục lọt vào Top 10, trong đó Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giữ vững vị trí số 1 trong 10 năm liên tiếp, tiếp đến là Đại học Stanford (thứ 3), Đại học Harvard (thứ 5), Viện Công nghệ California (thứ 6) và Đại học Chicago (thứ 10). Anh có 4/90 cơ sở giáo dục đại học lọt vào top 10 thế giới, trong đó Đại học Oxford lên vị trí thứ 2, Đại học Cambridge thứ 3, Trường Đại học Hoàng gia London (Imperial Colllege London) ở vị trí thứ 7, và Đại học London (UCL) ở vị trí thứ 8.
PV