Thứ hai, 07/06/2021 17:36

Nghiên cứu sản xuất phân bón lá sinh học và phân vi sinh cho cây ngô và cây cà phê tại Tây Nguyên

Qua gần 3 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm phân bón lá sinh học giàu oligocarrageenan và phân vi sinh chức năng từ sinh khối rong sụn (Kappaphycus alvarezii) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất một số cây trồng quan trọng (cà phê, ngô) tại các tỉnh Tây Nguyên” đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu và được nghiệm thu cấp nhà nước.

Đề tài mang mã số TN18/C06, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi trồng rong sụn Kappaphycus alvarezii đạt năng suất, chất lượng cao (10 tấn rong khô/năm với các mô hình: nuôi trồng giàn căng trên đáy cho vùng nước cạn và giàn phao nổi cho vùng nước sâu), đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất phân bón; đồng thời điều chế được phân bón lá giàu oligocarrageenan TN06-1 quy mô 300 l/ngày, phân hữu cơ vi sinh TN06-2 quy mô pilot. Bên cạnh việc xây dựng thành công các quy trình sản xuất chế phẩm phân bón TN06-1, TN06-2, đề tài đã hoàn thiện các quy trình sử dụng chế phẩm phân bón cho cây ngô và cây cà phê, cải thiện rõ ràng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây và làm gia tăng hiệu quả kinh tế (tăng 8,2-13,7 triệu đồng/ha cà phê; tăng 1,4-6,54 triệu đồng/ha ngô). Đề tài cũng xây dựng được bộ sưu tập vi sinh vật có khả năng cố định đạm và phân giải phốt pho phân lập tại vùng đất bản địa, gồm 9 chủng Azotobacter spp và 33 chủng Bacillus mucilaginosus.
Với những lợi thế làm gia tăng năng suất chất lượng cây trồng (ngô, cà phê), giá thành hợp lý, các sản phẩm phân bón lá sinh học và phân vi sinh của đề tài TN18/C06 cần được xúc tiến thương mại hóa, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững nền nông nghiệp thông minh tại vùng kinh tế Tây Nguyên.
SH
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)