Thiên tai (natural disasters) và thảm họa do con người (human-made disasters) tạo ra những biểu hiện khắc nghiệt cụ thể của những biến đổi lớn hơn về các điều kiện môi trường, và quan hệ giữa con người với môi trường hiện nay, gây tác động nhiều mặt đến đời sống con người ở các khu vực miền núi, đồng bằng, ven biển, đô thị của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện không ít chương trình hành động để ứng phó, giảm thiểu tác hại của biến đổi môi trường nói chung, và thiên tai, thảm họa do con người tạo ra nói riêng. Đồng thời, các cộng đồng và hộ gia đình cũng có những cách thức ứng phó của riêng họ trước các thảm họa thiên nhiên, như bão, lũ, lụt, sạt lở đất, hay những tác động tiêu cực từ các dự án phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thủy điện...
Trong bối cảnh đó, khám phá xem người dân và nhà nước ở Việt Nam đã tư duy và ứng xử như thế nào đối với sự biến đổi và khủng hoảng môi trường là rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đặc biệt sâu sắc, nhất là trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay. Khái niệm môi trường bao hàm các môi trường xã hội, môi trường văn hóa, môi trường công nghệ, môi trường thể chế, môi trường kinh tế và môi trường tự nhiên. Các nhà nhân học từ lâu đã quan tâm và có nhiều lợi thế về các tiếp cận so sánh và phương pháp luận để nghiên cứu làm sáng tỏ những trải nghiệm biến đổi môi trường và các tác động nhiều mặt của biến đổi môi trường. Các phân tích dân tộc học hứa hẹn làm sáng tỏ chính sách và hành động của nhà nước, đồng thời khám phá các phương thức ứng phó đa dạng của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, tộc người đối với các điều kiện môi trường nói chung, thiên tai và thảm họa do con người gây ra nói riêng ở khu vực đô thị, đồng bằng, ven biển, miền núi vùng cao, … nói riêng.
Mục đích và các chủ đề:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo này để các nhà nhân học và các nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề môi trường ở Việt Nam đương đại. Bằng tiếp cận nhân học, mỗi báo cáo nên tập trung phân tích và thảo luận về ít nhất một trong các chủ đề dưới đây:
- Những quan điểm và phương pháp nghiên cứu nhân học về môi trường.
- Thực trạng biến đổi môi trường và những tác động nhiều mặt của biến đổi môi trường.
- Chính sách môi trường và sự ứng phó của nhà nước đối với biến đổi môi trường, thiên tai, hay thảm họa do con người gây ra.
- Thế giới quan và những động năng trong mối quan hệ giữa con người và môi trường, các phương thức ứng phó của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và tộc người với biến đổi môi trường, thiên tai và thảm họa do con người gây ra.
- Nhận thức và ứng xử với đại dịch Covid-19.
Thời gian và địa điểm:
- Thời gian: dự kiến ngày 08/12/2021.
- Địa điểm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hình thức tổ chức hội thảo:
- Các đại biểu Việt Nam và các đại biểu quốc tế đang ở Hà Nội có thể tham gia hội thảo ở hội trường tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hoặc trực tuyến.
- Các đại biểu quốc tế ở nước ngoài tham gia hội thảo bằng hình thức trực tuyến.
- Ngôn ngữ hội thảo: Tiếng Việt và tiếng Anh.
Thời gian nộp báo cáo: 1) Hạn nộp tóm tắt (250-300 từ): 15/7/2021; 2) Thư mời nộp báo cáo toàn văn: 01/8/2021; 3) Hạn nộp báo cáo toàn văn (khoảng 7.000-9.000 từ): 15/11/2021; 4) Giấy mời tham gia Hội thảo: 21/11/2021; 5) Hội thảo: 8/12/2021.
Địa chỉ liên hệ:
Email của Ban tổ chức: environment.anth.ussh@gmail.com hoặc liên hệ với: Nguyễn Vũ Hoàng: hv.nguyen.ussh@gmail.com; Ngô Thị Chang: ngochangntc@gmail.com, Tel: 0941903855.