Thứ ba, 27/04/2021 11:41

Nghiên cứu cải tạo, phục hồi hệ sinh thái khu vực bãi thải và khai thác khoáng sản vùng Tây Nguyên

 Là nơi chứa đựng tiềm năng to lớn về khoáng sản, Tây Nguyên có 960 tụ khoáng với các khoáng sản được khai thác nhiều như: bauxite, vàng, thiếc, bentonit, diatomit, kaolin, đá ốp lát, đá quý, đá xây dựng... Tuy nhiên, hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên là khai thác tự do, lộ thiên, lấy đi lượng đất mặt đáng kể, sau khi hoàn thổ thường bị ô nhiễm kim loại nặng, đất nghèo dinh dưỡng. Do vậy, yêu cầu cấp thiết được đặt ra là cải tạo, phục hồi hệ sinh thái môi trường đất sau khai thác và chế biến khoáng sản cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn áp dụng của các mỏ sau khai thác. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tổ hợp các giải pháp cải tạo, phục hồi hệ sinh thái khu vực bãi thải và khu vực khai thác khoáng sản nhằm ngăn ngừa hoang mạc hóa, sử dụng đất hiệu quả, bền vững vùng Tây Nguyên”, mã số TN17/T04, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 được thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề nêu trên.

Trên cơ sở khảo sát thực địa 15 bãi thải, khu khai thác khoáng sản điển hình của Tây Nguyên, điều tra phỏng vấn các nông hộ, tổ chức, cán bộ quản lý; phân tích các mẫu thổ nhưỡng, nông hóa, vi sinh vật..., kết quả điều tra của đề tài cho thấy: hiện nay, việc cải tạo và phục hồi môi trường ở Tây Nguyên là không đáng kể, mới chỉ cải tạo mặt bằng, trồng cây lâm nghiệp nhưng tỷ lệ cây sống thấp và kém phát triển. Từ các luận cứ khoa học và thực tiễn, đề tài đã xác lập 3 mô hình thí điểm cải tạo, phục hồi hệ sinh thái bãi thải sau khai thác khoáng sản, mỗi mô hình có quy mô 1 ha: mô hình 1 - khu vực đã hoàn thổ sau khai thác quặng bauxite tại Tân Rai, Bảo Lâm, Lâm Đồng; mô hình 2 - khu vực mỏ sau khai thác vật liệu xây dựng thuộc thị trấn K’Bang, Gia Lai; mô hình 3 - thiết lập thảm thực vật trên bùn thải sau tuyển quặng bauxite mỏ Tân Rai, Bảo Lâm, Lâm Đồng trên hồ thải quặng đuôi số 5. Kết quả thực hiện 3 mô hình cho thấy các loại cây trồng (Thông Caribê, Điều nhuộm, Cúc đồng - mô hình 1; Keo lai, sục sạc - mô hình 2; Keo lai BV16 và AH1, Tràm Úc - mô hình 3) đáp ứng được yêu cầu về điều kiện lập địa, có khả năng sinh trưởng và cải tạo chất lượng đất.

Đề tài đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu dưới dạng số và bản in, gồm: bộ ảnh ghép Landsat-8 OLI không mây năm 2018 cho toàn vùng Tây Nguyên, bộ cơ sở dữ liệu dưới dạng WebGIS khu vực bãi thải và khu khai thác khoáng sản vùng Tây Nguyên và các bản đồ, sơ đồ phân bố và quy mô của các bãi thải tỷ lệ 1:50000.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đề xuất các nhóm giải pháp đồng bộ về cải tạo, phục hồi khu vực bãi thải, khu khai thác khoáng sản Tây Nguyên trên quan điểm sử dụng đất hợp lý, tập trung vào các yếu tố: kinh tế, môi trường, hiệu quả và cộng đồng; đồng thời đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể trong cải tạo, phục hồi các bãi thải, khu khai thác khoáng sản…

Với những kết quả đã đạt được, đề tài TN17/T04 do TS Nguyễn Mạnh Hà làm chủ nhiệm đã được Hội đồng KH&CN cấp nhà nước do PGS Trần Tuấn Anh làm Chủ tịch đánh giá, nghiệm thu xuất sắc.

HG

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)