Thứ sáu, 23/04/2021 13:30

Nghiên cứu phát triển một số cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu phục vụ phát triển KTXH Tây Nguyên

Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên và địa hình độc đáo, diện tích rừng nguyên sinh còn chiếm tỷ lệ đáng kể. Hệ thực vật khá phong phú, đa dạng với khoảng 3.200 loài. Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, diện tích rừng và đa dạng sinh học ở đây bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, việc điều tra, đánh giá hiện trạng về nguồn nguyên liệu cây có tinh dầu, phát hiện những loài cây có tinh dầu mới, nhằm bảo tồn nguồn gen và từng bước gây trồng tạo nguồn nguyên liệu hàng hoá để sử dụng bền vững là vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết này, đề tài TN17/C04 thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã được thực hiện nhằm mục tiêu: Nghiên cứu phát triển một số cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại Tây Nguyên. Qua 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định được 248 loài thực vật chứa tinh dầu thuộc 39 họ, 2 ngành thực vật bậc cao (ngành Hạt trần và Hạt kín) tại khu vực Tây Nguyên; đề xuất 4 loài có triển vọng phát triển gồm: Châu thụ (Gaultheria griffithiana), Gan tiền (Gaultheria sleumeri), Xá xị (Cinnamomum porrectum), Giổi chanh (Magnolia citrata)… Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng được vườn giống cây tinh dầu có diện tích 5.000 m2 tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng), bao gồm các loại Sả, Bạc hà, Oải hương, Phong lữ, Xô thuốc, Cúc la mã; lựa chọn được 8 giống cây tinh dầu thân thảo trồng phục vụ phát triển kinh tế. Với quy trình sản xuất phù hợp, đề tài đã ứng dụng sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu thiên nhiên như: chế phẩm xua đuổi, phòng ngừa côn trùng; xà bông tinh dầu. Các bã thải sau chưng cất được xử lý tạo giá thể trồng Nấm sò, phân bón hữu cơ vi sinh, đệm lót chuồng sinh học.

Đề tài cũng đã chuyển giao 1632 mẫu tiêu bản thực vật, 200 mẫu tinh dầu cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam; chuyển giao 3 mô hình và thiết bị sản xuất tinh dầu cho địa phương; được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký 1 độc quyền sáng chế, 2 nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời đã xây dựng được cơ sở dữ liệu 200 loài cây tinh dầu phổ biến tại Tây Nguyên kèm phân tích định hướng sử dụng, đây là cơ sở để tiến hành các nghiên cứu phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thực vật bản địa. Trong khuôn khổ của đề tài, đã công bố 4 bài báo quốc tế, 4 bài báo tiếng Việt, xuất bản 1 sách chuyên khảo.

Những kết quả của đề tài TN17/C04 (TS Lưu Đàm Ngọc Anh làm chủ nhiệm) đã được Hội đồng KH&CN cấp nhà nước do GS Trần Văn Sung làm Chủ tịch đánh giá, nghiệm thu xuất sắc.

SH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)