Thứ ba, 30/03/2021 09:23

Nghiên cứu xác định thực trạng và nguyên nhân suy giảm tài nguyên nước dưới đất trong các thành tạo bazan ở Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp bảo vệ và phòng chống suy giảm

Qua gần 3 năm thực hiện, đề tài “Nghiên cứu xác định thực trạng và nguyên nhân suy giảm tài nguyên nước dưới đất trong các thành tạo bazan ở Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp bảo vệ và phòng chống suy giảm”, mã số TN18/T10 do PGS.TS Đặng Xuân Phong làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc. Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định được thực trạng, nguyên nhân và dự báo suy giảm tài nguyên nước dưới đất trong các thành tạo bazan ở Tây Nguyên, đồng thời đề xuất được các giải pháp giảm thiểu suy giảm và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong các thành tạo bazan ở Tây Nguyên.

Theo PGS.TS Đoàn Văn Cánh, Hội Địa chất thuỷ văn Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu khoa học và công nghệ cấp nhà nước, đề tài đã có những đóng góp mới đáng kể, đó là: 1) Đã tính toán được tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn Tây Nguyên tăng hơn 43% giai đoạn 2000-2018; lượng nước khai thác phục vụ sinh hoạt ở đô thị và nông thôn tăng hơn 4 lần, tuy nhiên chỉ chiếm 22% tổng lượng nước khai thác, còn lại là phục vụ cho việc tưới cho cây cà phê. 2) Chỉ ra mức độ biến động mực nước dưới đất, có xu hướng giảm chiếm 48%, xu hướng tăng chiếm 29%; các khu vực Buôn Ma Thuột và Bảo Lộc có xu hướng suy giảm mạnh từ 1,5 đến 3,0 m. 3) Chỉ ra nguyên nhân chính gây ra suy giảm nước dưới đất chủ yếu là do việc khai thác nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt là tưới cho cây cà phê vào mùa khô, tập trung chủ yếu ở khu vực Buôn Ma Thuột và Bảo Lộc, những nơi ít bị ảnh hưởng của khai thác nước dưới đất, sự biến đổi mực nước phụ thuộc chính vào lượng mưa. 4) Đề xuất các giải pháp bảo vệ và phòng chống suy giảm nước dưới đất như: xây dựng các hồ, công trình thuỷ lợi chứa nước trong mùa mưa và cải tạo, nâng cao dung tích hồ chứa hiện có bằng các giải pháp kỹ thuật hiệu quả như đập tràn cao su, đập tràn kiểu lật, đập ngăn dòng…; triển khai rộng rãi mô hình bổ sung nhân tạo nước dưới đất từ nước mưa thu gom trên mái nhà và hệ thống mương rãnh thu gom dòng chảy mặt trên diện tích đất canh tác; các giải pháp tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt, phun mưa đúng thời điểm và kỹ thuật của Israel và của Viện Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên (WASI)... 5) Xây dựng bộ dữ liệu số về hiện trạng và nguyên nhân suy giảm mực nước trong các tầng chứa nước bazan Tây Nguyên, phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất và định hướng các chính sách, giải pháp phù hợp cho vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

SH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)