Thứ hai, 29/03/2021 15:01

Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới

Tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực điện tử - viễn thông trong kỷ nguyên số” do Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Hội Vô tuyến điện tử (REV), Học viện Bưu chính Viễn thông (Cơ sở TP Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức ngày 26/3/2021 theo hình thức trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; ông Đinh Triều Dương - Trưởng Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điện tử - viễn thông đang có những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay. Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới, là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện. Lĩnh vực điện tử thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI (Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel…) và chỉ tính riêng năm 2019 doanh thu lĩnh vực này ước đạt 112 tỷ USD. Điều này đã tạo nên những thuận lợi và thách thức cho việc đào tạo nhân lực của ngành học này.

Ông Đinh Triều Dương cho biết thêm, kể từ khi thành lập cho đến nay, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ đã đào tạo tổng số 4.500 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ngành điện tử - viễn thông. Hàng năm, 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, phần lớn làm đúng ngành, đúng nghề và có mức lương cao.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam khẳng định, sau 35 năm đổi mới của đất nước, lĩnh vực điện tử - viễn thông sau này có thêm công nghệ thông tin (CNTT) đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế của đất nước. Những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) đang đứng trước cơ hội đặc biệt, đó là tích cực chuyển đổi số và tận dụng những lợi thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy tạo sự bứt phá, tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Theo TS Trần Đức Lai thì mức tăng trưởng của lĩnh vực này 10%/năm. Theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2020 tổng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực là trên 42 nghìn, tổng doanh thu đem lại trên 112 tỷ USD và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Đối với các đơn vị đào tạo về điện tử - viễn thông, đã dần khai thác những thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế phát triển để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên đăng ký tuyển sinh. Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ hướng đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đạt chất lượng quốc tế và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực điện tử - viễn thông; sáng tạo và chuyển giao những kết quả, sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến; tạo ra một số trường phái nghiên cứu khoa học công nghệ mạnh trong lĩnh vực điện tử - viễn thông. Khoa cũng phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của ngành điện tử - viễn thông đạt trình độ khu vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế; hợp tác toàn diện với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tập đoàn công nghệ cao có uy tín trong nước và quốc tế trong việc triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử viễn thông; kết hợp chặt chẽ đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng nguồn thu bổ sung, đặc biệt là các nguồn thu từ đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao dựa trên sự đầu tư của các dự án trọng điểm…

Đại diện các đơn vị đào tạo tham gia hội thảo cũng đã nêu thông tin về những thay đổi trong đào tạo nhân lực của lĩnh vực điện tử - viễn thông nhằm thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ về nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này. Hội thảo là dịp để các đơn vị gia tăng sự hiểu biết và tăng cường sự hợp tác trong tương lai.

PV

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)