Thứ tư, 28/10/2020 15:54

Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập

Đó là chủ đề của Hội thảo do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/10/2020.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý cho Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA và thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại…

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, đã có 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA). Điều này giúp thị trường xuất - nhập khẩu của Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh và sôi động hơn. Với mức thuế đối với hàng nhập khẩu của chúng ta đã về thấp, có loại về 0%, sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng. Trong bối cảnh đó, cần chủ động nghiên cứu các biện pháp hợp pháp như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước là cấp thiết. Đây là công cụ phổ biến và là yếu tố gần như bắt buộc trong môi trường kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã cho những kết quả tích cực. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện đang điều tra 20 vụ án phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng góp phần bảo vệ các ngành, trong đó chiếm gần 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ việc làm cho khoảng 150.000 lao động… Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện chưa nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nắm vững hoặc có các hiểu biết nhất định về chính sách pháp luật phòng vệ thương mại hoặc có các kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này.

Đánh giá về những khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang - VCCI cho biết, các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và coi đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, có nhiều lý do để lo ngại, bởi lẽ, nhiều nguồn hàng bị dư thừa, có khả năng sẽ chuyển hướng sẽ vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Vì vậy, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước.

Phong Vũ
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)