Chủ nhật, 25/10/2020 10:32

Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Đại dịch Covid-19 gây ra khó khăn trong việc di chuyển khiến dòng vốn đầu tư vào startup Việt Nam bị chững lại, nhưng các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021. Để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (Đề án 844) phối hợp với các quỹ đầu tư UPGen Vietnam, ThinkZone Ventures đã tổ chức Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hướng đến ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST 2020 - sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST cả nước. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 100 nhà đầu tư và startup tham gia và thảo luận xoay quanh các nội dung: Tổng quan về hoạt động đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam; Kinh nghiệm gọi vốn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế; Các vấn đề cần lưu ý khi gọi vốn mạo hiểm; Cách thức thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Cần chuẩn bị kỹ càng và có kế hoạch cụ thể trước khi gọi vốn đầu tư

Theo thống kê của Văn phòng Đề án 844, trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có “khẩu vị”, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, diễn giả Hoàng Thị Kim Dung - Trưởng đại diện Quỹ Genesia Ventures tại Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc đầu tư tại VIGroup đã chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa quỹ nội và quỹ ngoại. Theo đó, quỹ ngoại thường có mạng lưới đối tác ở rất nhiều quốc gia khác nhau, do đó có thể hỗ trợ startup nhiều trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường khác. Trong khi đó, quỹ nội thường có sự am hiểu sâu rộng về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, có đội ngũ nhân lực sẵn sàng hỗ trợ startup về các vấn đề pháp lý, kế toán, tài chính. Quỹ nội và quỹ ngoại có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Covid khi nhà đầu tư ngoại bị hạn chế di chuyển thì hình thức hợp tác này càng được đẩy mạnh. Do vậy, sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực của quỹ hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập start up Ecomobi, các startup cần chuẩn bị tài liệu cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cuộc gặp với nhà đầu tư có thể kéo dài 10 phút, 2-3 tiếng, thậm chí 30 giây trong thang máy, do đó các start up cần chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là phải tóm tắt được công việc kinh doanh của mình trong một câu ngắn gọn để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy vậy, startup không nên gọi vốn bằng mọi giá, phải xác định rõ mục tiêu gọi vốn chứ không phải gọi vốn theo phong trào, hay gọi vốn cho vui, không nên thấy doanh nghiệp đang cạnh tranh với mình gọi vốn thì mình cũng gọi vốn.

Ông Bùi Thành Đô, Giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures lại lưu ý các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST vấn đề pháp lý khi gọi vốn. Hiện tại, nhiều startup ở Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề này, đôi lúc dẫn đến vấn đề hậu đầu tư gặp nhiều khó khăn. The KAfe là một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này. Do hết vốn nên The KAfe phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên do thời điểm gọi vốn muộn nên chuỗi cửa hàng này bị ép giá, cùng với đó là các điều khoản có lợi cho nhà đầu tưđược kích hoạt, khiến The Kafe bị thất bại trong hoạt động kinh doanh của mình.

Sắp có Liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia, các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở chỗ, do không thống nhất được giữa các nhà đầu tư nội, nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư thiên thần nên quá trình giải ngân cho startup sau khi đã ra quyết định đầu tư thường mất đến hơn 6 tháng, cộng với thời gian startup chuẩn bị gọi vốn khoảng 12 tháng trước đó, khiến cho tổng thời gian để cả thương vụ diễn ra là gần 18 tháng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup. Do đó cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh. 

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đề xuất cần phải có một liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam để hỗ trợ cho các start up. Các chuyên gia cũng đang xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư, công ty luật tham gia vào Liên minh này, với mục tiêu đem tiếng nói, nguyện vọng của thị trường tới các nhà hoạch định chính sách, từ đó từng bước cải thiện môi trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Đồng thời Liên minh cũng là nơi để mọi người chia sẻ thông tin về các thương vụ đầu tư, startup tiềm năng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin trong hệ sinh thái. Liên minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Đề án 844 để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam.

Tin và ảnh: HH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)