PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình phát biểu khai mạc Hội nghị.
Côn trùng là lớp động vật không xương sống có đa dạng loài cao nhất, chiếm hơn 50% số loài sinh vật trên trái đất. Với hơn 1 triệu loài được mô tả, côn trùng là một mắt xích quan trọng giữ cho sự cân bằng và tồn tại của các hệ sinh thái trên trái đất. Côn trùng có vai trò rất quan trọng trong tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của loài người. Côn trùng học là lĩnh vực khoa học đang được cả thế giới quan tâm nghiên cứu và phát triển để phục vụ đời sống con người, bảo vệ đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái tự nhiên nói riêng, trái đất nói chung.
Việt Nam được thiên nhiên ban tặng một nguồn tài nguyên côn trùng vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại. Nguồn tài nguyên này cần được nghiên cứu và khai thác hợp lý để phục vụ phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước.
GS.TS Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Từ thực tiễn trên, từ năm 2002 đến nay, Hội Côn trùng học Việt Nam đã tổ chức 9 hội nghị côn trùng học quốc gia (3 năm/lần) nhằm đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học về côn trùng, trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng thuộc lĩnh vực côn trùng học. Tại phiên toàn thể khai mạc Hội nghị Côn trùng học quốc gia lần thứ 10, các đại biểu đã được nghe GS.TS Vũ Quang Côn, GS.TS Bùi Công Hiển, GS.TS Trương Quang Học, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy giới thiệu về nghiên cứu bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng ở Việt Nam; thế giới côn trùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; một số kết quả nghiên cứu nổi bật về mối ở Việt Nam; quản lý nhện hại cây trồng ở Việt Nam...
GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe 34 báo cáo khoa học phân theo các chuyên đề: côn trùng học đại cương; công trùng học nông lâm nghiệp; côn trùng y học và côn trùng xã hội. Các báo cáo tham luận cho thấy, những nghiên cứu điều tra cơ bản và hệ thống côn trùng, nhện, ve bét đạt kết quả tốt; nghiên cứu sinh thái, sinh học và phòng trống trước đây cũng như hiện nay luôn gắn liền với yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống. Ngoài việc nghiên cứu có tính truyền thống về vai trò của côn trùng thiên địch và chân khớp thiên địch để lợi dụng chúng trong quản lý sâu hại tổng hợp cây trồng thì việc nghiên cứu các tác nhân sinh học khác như tuyến trùng diệt sâu, cũng như các sản phẩm từ chúng đã thu được nhiều kết quả có giá trị...
CM