Thứ năm, 22/10/2020 14:48

Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển của Việt Nam

Đây là tiêu đề của một báo cáo do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Quỹ toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi Thiên tai công bố tại Hà Nội ngày 21/10/2020. Nghiên cứu cho thấy, khu vực ven biển Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và kinh tế, tuy nhiên các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ. Đặc biệt, bão lũ đang hoành hành ở miền Trung là bằng chứng mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là rủi ro thiên nhiên, vốn đã rất nguy hiểm, đang trở nên ngày càng nặng nề do tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Báo cáo Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển được công bố là kết quả hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Quỹ toàn cầu về giảm nhẹ và phục hồi thiên tai. Báo cáo đưa ra các số liệu thống kê đáng báo động về mức độ dễ bị tổn thương của khu vực ven biển cùng các chủ thể và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, ước tính có khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP  và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho biết, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao như hiện nay thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng. Báo cáo đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể thuộc 5 lĩnh vực chiến lược cần được triển khai khẩn trương gồm: 1) Cải thiện các công cụ dữ liệu và ra quyết định bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu thiên tai có thể truy cập công khai và hệ thống quản lý tài sản đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng; 2) Cân nhắc yếu tố rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian dựa trên thông tin sẵn có tốt nhất; 3) Tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công bằng cách nâng cấp các công trình này tại những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất và ít được bảo vệ, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn an toàn hiện có; 4) Tận dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên bằng cách khai thác khả năng bảo vệ và đóng góp phát triển kinh tế của hệ sinh thái một cách có hệ thống; 5) Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai bằng cách nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường năng lực ứng phó của địa phương, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thực hiện phân bổ ngân sách rủi ro toàn diện.

Phong Vũ - Quỳnh Anh
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)