Thứ ba, 27/10/2020 15:47

Thái Bình: Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KH&CN

TS Đỗ Thanh Giang

Sở KH&CN  Thái Bình

Là một tỉnh nhỏ thuộc Đồng bằng sông Hồng, nhưng nhờ chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) nên các ngành công, nông nghiệp, dịch vụ của Thái Bình đều liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế, nhưng Thái Bình luôn xác định cần huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN nhằm đưa địa phương trở thành tỉnh có sự phát triển bứt tốc trong khu vực giai đoạn tới.

KH&CN gắn bó chặt chẽ với sản xuất, đời sống

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Thái Bình lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020 đã nêu rõ: "Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển KH&CN. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và bảo vệ môi trường. Khuyến khích hợp tác, liên kết nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ với sản xuất; nâng cao hàm lượng KH&CN  trong tăng trưởng kinh tế”.

Phát triển KH&CN giai đoạn 2015-2020 ở Thái Bình cơ bản đã bám sát các định hướng, mục tiêu, kế hoạch đề ra. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, lấy nghiên cứu ứng dụng là chính, đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường. Một số nghiên cứu ứng dụng điển hình được áp dụng nhiều trong thực tiễn, có hiệu quả cao thúc đẩy năng suất, chất lượng trong từng lĩnh vực là:

Nông nghiệp, nông thôn: tỉnh đã triển khai, ứng dụng và làm chủ rất nhiều công nghệ như: tạo giống khoai tây từ nuôi cấy mô tế bào - công nghệ khí canh - cắt ngọn, giâm bầu; làm mạ khay và cấy máy…; các mô hình: thâm canh giống dưa hấu Phù Đổng và dưa lê Kim Vương trong vụ xuân hè; sản xuất giống và trồng dược liệu Đinh lăng, Cà gai leo, cây Cỏ ngọt; nuôi gà trên cát; chăn nuôi lợn thịt chất lượng cao với con giống được tạo ra từ các tổ hợp lai giữa nái F1(Yorkshire x Móng cái), F1(Yorkshire x Meishan) với đực Du 100; nuôi vỗ béo bò thịt để nâng cao năng suất, chất lượng thịt bò; ứng dụng kỹ thuật sinh sản để lai tạo bò F1 hướng thịt (bò đực Blanc Blue Belge lai với bò cái nền lai Sind của địa phương); ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất ong mật chất lượng cao; bảo tồn và kích thích sinh sản rươi cho năng suất gấp 10 lần phương pháp khai thác tự nhiên; nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng trên vùng đất nhiễm mặn tại Hồng Tiến, Kiến Xương... Kết quả của các mô hình đã được nhân rộng hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh, giúp trực tiếp nâng cao đời sống cho người dân. KH&CN đã chứng minh được hiệu quả thiết thực qua từng nhiệm vụ.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của Công ty Cổ phần thương mại tổng hợp Toan Vân tại xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình.   

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường: các nhà khoa học của tỉnh đã rất thành công trong nghiên cứu ứng dụng chẩn đoán và điều trị u tuyến nước bọt bằng phẫu thuật, bảo tồn dây thần kinh số 7; nghiên cứu sản xuất sản phẩm trong chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh; nghiên cứu, đánh giá tác dụng của gạo lật nảy mầm với giảm đường máu và mỡ máu ở bệnh nhân tiểu đường có hội chứng chuyển hóa; nghiên cứu giá trị nội soi nhuộm màu bằng Indigocarmin 0,2% ở người bệnh viêm niêm mạc dạ dày mạn trên 29 tuổi; nghiên cứu quy trình chiết xuất, thành phần hoá học, tác dụng giảm đau, chống viêm của cây Sói rừng (Sarcandra glabra); nghiên cứu cải tiến và ứng dụng thành công hệ thống cắt hút Stryker Formula Shaver trong phẫu thuật nội soi vùng mũi họng; nghiên cứu đặt stent động mạch vành qua da trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình; nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một trocar hỗ trợ cắt ruột thừa qua rốn ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Thái Bình; nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm EM trong xử lý nước thải, môi trường nuôi gia súc, gia cầm đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiết kiệm được chi phí vì không phải lên điều trị ở tuyến trên...

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi bò tại xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có các nghiên cứu điển hình như: nghiên cứu quá trình du nhập và phát triển của các tôn giáo và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo tại Thái Bình; sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và bảo tồn 3.881 sắc phong ở Thái Bình bằng công nghệ số; nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2030; giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế...

Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu, bảo đảm tuân thủ các quy định của Nhà nước, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hạn chế công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá, bảo vệ sức khoẻ, an toàn lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm/hàng hóa, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được tăng cường và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm túc các sai phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành.

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở KH&CN thăm dây chuyền sản xuất trà thảo dược của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN Thái Bình cùng còn một số tồn tại, hạn chế đó là: i) Một số cơ chế, chính sách sách đổi mới về KH&CN triển khai còn chậm. Chưa có nhiều đề tài, dự án KH&CN mang tính đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Việc gắn kết nội dung KH&CN vào kế hoạch hoạt động của các cấp, các ngành chưa thường xuyên. Trình độ công nghệ của một số ngành sản xuất còn thấp; hoạt động đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm. Chưa có nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực; ii) Đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh tuy đã phát triển cả về số lượng và chất lượng nhưng cơ cấu ngành nghề và phân bố chưa hợp lý, thiếu những cán bộ có trình độ trong các lĩnh vực công nghệ cao. Cơ sở vật chất của các tổ chức KH&CN  chưa thực sự đảm bảo nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Việc đầu tư ngân sách cho KH&CN tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN phần lớn còn trông chờ vào ngân sách nhà nước; chưa phát huy, khai thác tốt các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa; iii) Việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN còn chậm và chưa thực sự rõ nét, nhất là việc hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, bao gồm: sàn giao dịch công nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; iv) Phát triển KH&CN  chưa thực sự gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa thực sự tạo ra bước chuyển biến cơ bản về năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tỉnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Giải pháp phát triển trong thời gian tới

Phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời chủ động khắc phục những tồn tại yếu kém, trong giai đoạn đến 2025 KH&CN Thái Bình cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tổ chức đánh giá thực sự khách quan, khoa học đúng thực trạng hoạt động KH&CN ở Thái Bình giai đoạn 2015-2020; phân tích chính sách và tình hình thực thi chính sách phát triển KH&CN ở Thái Bình hiện nay, từ đó nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn tới đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động KH&CN ở địa phương để hoạt động KH&CN phù hợp và trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân thông qua tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Qua đó, giúp cho đội ngũ nhân lực KH&CN địa phương đổi mới tư duy, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành. Phấn đấu đến năm 2025, 40% số cán bộ trong các tổ chức KH&CN của các ngành, các trường trong tỉnh có trình độ từ thạc sĩ và tương đương trở lên; mỗi tổ chức KH&CN có ít nhất 20% cán bộ có trình độ thạc sĩ.

Thứ ba, đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung vào việc sắp xếp lại các tổ chức KH&CN của các ngành, trường đại học, cao đẳng; bổ sung vào quy hoạch các tổ chức KH&CN trực thuộc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm trọng điểm của tỉnh.

Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nhân lực KH&CN có trình độ cao ở trong và ngoài nước tham gia giải quyết các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN thiết lập mạng lưới các chuyên gia, các nhà khoa học để phối hợp giải quyết kịp thời các nhiệm vụ KH&CN trong doanh nghiệp và tổ chức KH&CN.

Thứ năm, đề nghị tỉnh bố trí tăng dần tỷ lệ chi ngân sách cho KH&CN để đến năm 2025 đạt mức 1,5% tổng chi ngân sách. Chi đầu tư phát triển KH&CN phải được ghi thành một mục riêng trong dự toán chi ngân sách hằng năm của tỉnh.

Thứ sáu, tích cực triển khai các biện pháp để nâng cao nguồn vốn đầu tư cho KH&CN: tranh thủ nguồn ngân sách trung ương (thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ), tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực để các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các chương trình, dự án KH&CN của trung ương, của các tổ chức quốc tế. Triển khai trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tổng số vốn các quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít nhất phải bằng 30% số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)