Công nhận - cấu phần quan trọng của cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia
Trên thế giới, hoạt động công nhận cũng chỉ được phổ cập nhiều và lan tỏa tới các nước đang phát triển trong khoảng 15 năm trở lại đây. Các tổ chức công nhận quốc tế như ILAC, IAF và hai tổ chức công nhận khu vực châu Á - Thái Bình Dương là APLAC, PAC (năm 2019 hợp nhất thành APAC) cũng mới được chính thức thành lập cách đây 25 năm, mặc dù sáng kiến về hoạt động công nhận có liên kết quốc tế đã được hình thành cách đây hơn 40 năm tại Hội nghị công nhận quốc tế (tiền thân của tổ chức ILAC ngày nay) được tổ chức vào tháng 10/1977 tại Copenhagen, Đan Mạch.
Cho đến nay hoạt động công nhận và ý nghĩa của nó đã ngày càng phổ biến và được nhận thức rõ ràng trên toàn thế giới. Hoạt động công nhận là hoạt động của bên thứ ba đánh giá và xác nhận năng lực kỹ thuật của một tổ chức ĐGSPH (phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận) dựa trên các tiêu chuẩn được thừa nhận.
Công nhận là một trong những cấu phần quan trọng của cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia. Công nhận ở tầng trên cùng của hệ thống nhằm kiểm tra, xác nhận năng lực của các tổ chức ĐGSPH, tức đảm bảo về mặt kỹ thuật cho cả hệ thống này, do vậy công nhận là một dịch vụ đặc biệt nhằm kiểm soát năng lực các tổ chức ĐGSPH (thường bị thị trường chi phối); là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, được nhà nước quản lý thống nhất, tập trung. Do đó, tổ chức công nhận được thành lập ở hầu hết các quốc gia như là một cấu phần quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng của một quốc gia, và là thiết chế để minh bạch hóa thông tin về năng lực của các tổ chức ĐGSPH.
Văn phòng CNCL tổ chức hội thảo chuyên gia khu vực phía Bắc.
Các tổ chức công nhận của các quốc gia tham gia vào các tổ chức quốc tế như ILAC, IAF, APAC và vào cơ chế thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá công nhận cho các chương trình công nhận cụ thể. Đây là cơ sở giúp cho kết quả ĐGSPH được thừa nhận, tạo cơ sở cho quá trình chấp thuận kết quả ĐGSPH của bên xuất khẩu, giúp sản phẩm hàng hóa tự do lưu thông giữa các nước mà không bị cản trở bởi các rào cản kỹ thuật không cần thiết.
Công nhận thực sự có vai trò to lớn trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nếu điểm qua các chủ đề nhân Ngày công nhận thế giới được tổ chức hàng năm (ngày 9/6) có thể thấy rõ vai trò to lớn của công nhận: công nhận tạo thuận lợi cho thương mại thế giới và chấp nhận toàn cầu (2008, 2010, 2013); công nhận tạo sự tin cậy (về kết quả ĐGSPH) (2009); công nhận phục vụ quản lý nhà nước (2011); công nhận vì thực phẩm an toàn và nước uống sạch (2012); công nhận tạo sự thống nhất trong cung cấp năng lượng (2014); công nhận hỗ trợ cung cấp sức khỏe và chăm sóc xã hội (2015); công nhận hỗ trợ chính sách công (2016); công nhận tạo sự tin cậy trong chất lượng công trình và môi trường xây dựng (2017); công nhận vì một thế giới an toàn hơn (2018); công nhận tạo giá trị gia tăng cho chuỗi cung ứng (2019); và chủ đề năm nay (2020) là công nhận cải thiện an toàn thực phẩm.
Văn phòng CNCL - 25 năm xây dựng và phát triển
Văn phòng CNCL là tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập trực thuộc Bộ KH&CN, được thành lập theo Quyết định số 1926/QĐ-TCCBKH ngày 10/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ KH&CN) với chức năng thực hiện hoạt động đánh giá công nhận các tổ chức ĐGSPH (gồm phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn, phòng xét nghiệm y tế, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận).
Văn phòng CNCL tham dự và biểu quyết tại APAC.
Đến nay, Văn phòng CNCL đã công nhận được cho khoảng 1.500 (1.268 phòng thí nghiệm, 113 phòng xét nghiệm y tế, 76 tổ chức giám định, 69 tổ chức chứng nhận) hệ thống phòng thí nghiệm, phòng xét nghiệm y tế, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định trải dài trên toàn quốc và tại một số nước Đông Nam Á (Lào, Cambodia, Brunei và Indonesia). Các đơn vị này đều xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế, giúp tạo nền tảng vững chắc cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia về hoạt động ĐGSPH, tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận. Đây đều là các đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật về thử nghiệm, xét nghiệm, chứng nhận và giám định, góp phần giúp nâng cao chất lượng dịch vụ thử nghiệm, chứng nhận, giám định nói chung tại Việt Nam.
Đặc biệt, với hơn 100 phòng xét nghiệm y tế trong cả nước từ nhiều bệnh viện đầu ngành như: Bạch Mai, Nhiệt đới trung ương, Trung ương quân đội 108, Nhân dân Gia Định, Viện Pasteur, Huyết học truyền máu… cũng như các phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm y tế dự phòng/Trung tâm kiểm soát bệnh tật của 48/63 tỉnh, thành phố được đánh giá công nhận theo chuẩn mực quốc tế ISO 15189 và ISO 17025 đã góp phần giúp cho các bệnh viện, phòng khám nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giúp cho các tỉnh, thành phố làm tốt hơn công tác quản lý phân phối thuốc, công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Văn phòng CNCL luôn đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo các chuyên gia kỹ thuật tham gia vào hệ thống công nhận phòng thí nghiệm, phòng xét nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận nhằm góp phần nâng cao năng lực của hệ thống công nhận. Số lượng chuyên gia kỹ thuật tăng trưởng đều hàng năm. Văn phòng cũng đã có những đóng góp tích cực, cụ thể đối với quá trình ban hành tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN/QCVN) và tiêu chuẩn quốc tế ISO thông qua hoạt động tích cực tại các Ban Kỹ thuật quốc gia. Ngoài ra, Văn phòng CNCL còn tham gia tích cực vào các hoạt động công nhận của các tổ chức quốc tế và khu vực. Đại diện Văn phòng CNCL được tổ chức công nhận quốc tế đánh giá cao và tín nhiệm bầu là thành viên của ban lãnh đạo IAF và APAC. Việc tham gia MRA của các tổ chức khu vực và quốc tế về công nhận đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ra các nước.
Một số sản phẩm hàng tiêu dùng (dệt may, giầy dép); linh kiện điện tử và các sản phẩm nông sản/thủy sản chế biến (chè, cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá)… khi đã thử nghiệm ở các phòng thí nghiệm hoặc được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P; nông nghiệp hữu cơ - Organic, an toàn thực phẩm - FSMS…) tại các tổ chức chứng nhận/tổ chức giám định được Văn phòng CNCL công nhận khi xuất khẩu sang các thị trường khắt khe như: Mỹ hoặc một số nước châu Âu đều được Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng chấp nhận mà không cần thử nghiệm lại.
Thực hiện chương trình hỗ trợ về hoạt động công nhận trong ASEAN theo Nghị quyết của Ủy ban tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng (ASEAN - ACCSQ), trong năm 2018, Văn phòng CNCL đã giúp đỡ Lào, Campuchia xây dựng tổ chức công nhận quốc gia và cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia, ký kết các hợp đồng đánh giá công nhận với một số tổ chức ĐGSPH tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
x
x x
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Văn phòng CNCL hiện nay đã có vị thế vững chắc trong nước và quốc tế. Văn phòng đã cung cấp được hầu hết các chương trình công nhận mà cơ quan quản lý yêu cầu, cũng như theo sát nhu cầu của thị trường, góp phần đồng hành cùng hơn 1.500 đơn vị xây dựng hoạt động ĐGSPH theo chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Hầu hết các chương trình công nhận đều được thừa nhận quốc tế. Hoạt động công nhận của Văn phòng CNCL đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của cơ quan quản lý như chương trình công nhận chứng chỉ rừng; công nhận kiểm định phát thải trong lĩnh vực hàng không (ICAO-CORSIA) đem lại lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ.
Với sự nỗ lực không ngừng, Văn phòng CNCL sẽ phát huy sức mạnh tập thể, liên tục phấn đấu để cùng tạo dựng cơ sở hạ tầng tổ chức ĐGSPH lớn mạnh của Việt Nam phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.