Thứ hai, 26/10/2020 10:40

Trường Đại học Công nghệ GTVT: Tự hào viết tiếp truyền thống 75 năm “Đi trước mở đường”

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT

Năm 2020, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) tròn 75 năm xây dựng và phát triển. Phát huy truyền thống “Đi trước mở đường” của ngành GTVT, trong suốt 75 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhà trường luôn nỗ lực đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của ngành GTVT và đất nước.

Tự hào những mốc son lịch sử

Thời kỳ Pháp thuộc, năm 1902 ở Việt Nam có Trường Thư ký và Cán sự chuyên môn công chính đặt tại Hà Nội. Ngày 15/4/1913, Trường được đổi tên thành Trường Công chính, chuyên đào tạo cán sự trung cấp chuyên môn công chính, thời gian đào tạo là 2 năm. Năm 1918, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Công chính nhưng cũng chỉ đào tạo trung cấp kỹ thuật là chính, mãi đến năm 1923-1924 mới tuyển một số cán bộ đã học xong cán sự công chính học thêm 1 năm để thành công trình sư.

Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được độc lập, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn, trước tình cảnh thù trong, giặc ngoài nhưng Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã quan tâm tới việc “diệt giặc dốt”, tạo tiền đề cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để xây dựng đất nước, kiến thiết nền văn hoá mới theo ba nguyên tắc: “Dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá”. Ngành GTVT là mạch máu của nền kinh tế quốc dân, có vị trí rất quan trọng, liên quan đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho Ngành trở thành yêu cầu cấp bách và hết sức cần thiết lúc bấy giờ. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trường Cao đẳng Công chính - tiền thân của Trường Đại học Công nghệ GTVT ngày nay - đã được khai giảng lại ngày 15/11/1945, và từ đây ngày 15/11 được lấy làm ngày thành lập Trường. Từ sau năm 1945, Nhà trường đã có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước như: tháng 2/1949, theo Sắc lệnh số 2/SL ngày 1/2/1949 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Nghị định số 60-D/SH ngày 24/2/1949 của Bộ Giao thông Công chính, Trường đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật, có nhiệm vụ đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật về giao thông công chính, kiến trúc, bưu điện… đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 8/1956, Trường Cao đẳng Kỹ thuật được tách ra thành các trường: Trung cấp Giao thông, Trung cấp Thuỷ lợi và Trung cấp Kiến trúc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), sau khi đào tạo đến khoá 12, Trường Trung cấp Giao thông lại tách thành 2 Trường: Trường Trung học GTVT Thuỷ - Bộ và Trường Trung học GTVT Đường sắt. Năm 1970, Trường Trung học GTVT Thuỷ - Bộ tách ra làm 2 trường: Trường Trung học GTVT Đường bộ và Trường Trung học GTVT Đường thuỷ. Tháng 12/1983, Bộ GTVT sáp nhập 3 Trường Trung học GTVT: Đường bộ, Đường thuỷ, Đường sắt thành Trường Trung học GTVT I. Ngày 8/2/1990, Bộ GTVT có quyết định hợp nhất Trường Trung học GTVT Miền núi Thái Nguyên với Trường Trung học GTVT I thành Trường Trung học GTVT Khu vực I. Ngày 30/10/1991, Bộ GTVT có quyết định sáp nhập Trường Công nhân Cơ khí Ô tô Hà Nội (thuộc Cục Cơ khí Giao thông) vào Trường Trung học GTVT Khu vực I.

Ngày 24/7/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 480/QĐ-TTg nâng cấp Trường Trung học GTVT Khu vực I thành Trường Cao đẳng GTVT. Ngày 27/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 630/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Công nghệ GTVT trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng GTVT. Ngày 3/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó quy hoạch phát triển Trường Đại học Công nghệ GTVT đến năm 2030 thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo định hướng ứng dụng công nghệ.

Nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng công nghệ.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ở bất cứ giai đoạn khó khăn nào, Nhà trường vẫn kiên trì nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục Nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ 2 trong 3 khâu đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước…, trong thời gian qua, Nhà trường đã không ngừng đổi mới, phát triển chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng với tỷ lệ thực hành, thực tập chiếm tới 40% tổng thời lượng toàn khóa. Các chương trình đào tạo đang dần tiệm cận với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo gần 13.000 học viên, sinh viên theo học các hệ tiến sĩ (2 chuyên ngành); thạc sĩ (12 chuyên ngành); đại học (30 chuyên ngành) với các nhóm ngành đào tạo chính: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; kinh tế - vận tải - Logistics; cơ khí - ô tô; công nghệ thông tin - điện tử viễn thông… Tất cả các chương trình đào tạo của Trường đều có mục tiêu rõ ràng, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng trình độ đào tạo và phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường, đảm bảo tính liên thông dọc, liên thông ngang thuận lợi nhất cho người học.

Thông qua các chương trình đào tạo, Nhà trường đã tạo nên môi trường học tập chủ động, giúp sinh viên phát triển kỹ năng phân tích độc lập, tư duy sáng tạo và khả năng thích nghi nhanh chóng với công việc thực tế. Ngoài ra, các chương trình ngoại khóa và hoạt động tình nguyện cũng là thế mạnh của Trường nhằm giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về xã hội; đồng thời phát triển các kỹ năng mềm trong cuộc sống thông qua các hoạt động như nghiên cứu khoa học, thi olympic, tham gia thi robocon, chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu, sáng tạo khởi nghiệp… từ đó tạo tiền đề vững chắc làm hành trang cho các sinh viên hoàn thành tốt công việc trong tương lai. Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt trên 92% và được doanh nghiệp đánh giá cao. Đây là một minh chứng về nguyên lý đào tạo đúng đắn của Trường trong thời gian qua. Đóng góp vào những thành công đó không thể không nhắc đến 627 cán bộ viên chức, trong đó có 477 viên chức giảng dạy - nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, với 18 GS, PGS; 120 TS, 376 ThS…, được đào tạo bài bản tại các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong nước và quốc tế, họ đều là những người tâm huyết với nghề, thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, từng bước đáp ứng yêu câu ngày càng cao của giáo dục đại học.

Yếu tố cuối cùng tạo nên môi trường học tập tốt chính là điều kiện cơ sở vật chất tại 3 cơ sở của Trường tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên không ngừng được đầu tư nâng cấp. Trong vòng 5 năm qua, Nhà trường đã xây dựng mới, cải tạo sửa chữa hệ thống giảng đường, lớp học, sân tập thể thao, thư viện, mua sắm trang thiết bị thí nghiệm đồng bộ, tiên tiến trị giá hàng trăm tỷ đồng… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên được học tập trong môi trường sạch, đẹp, khang trang và hiện đại.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Trong 5 năm gần đây, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã chủ trì thực hiện 3 nhiệm vụ nghiên cứu cấp nhà nước, 5 nhiệm vụ thuộc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia - NAFOSTED; 48 đề tài/dự án cấp bộ; 1 đề tài cấp tỉnh; 223 đề tài cấp cơ sở; xây dựng và trình ban hành 17 TCVN. Bên cạnh đó, Trường còn thực hiện trên 10 dự án hợp tác với Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNDP), Ủy ban châu Âu, Đức, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Mỹ… Đa số các đề tài/dự án đều tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng, giải mã công nghệ để giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành và đất nước.

Với sự đầu tư mạnh cho nghiên cứu, các nhà khoa học của Trường đã công bố trên 660 bài báo khoa học, trong đó có 408 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, 252 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (ISI, Scopus). Trường là đơn vị đứng top đầu về tốc độ công bố giữa hai năm học 2015-2016 và 2016-2017, top 30 trường đại học Việt Nam có công bố quốc tế tốt nhất năm 2019, trong đó đứng thứ 13 về tổng số trích dẫn. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, Trường đã tổ chức 40 hội nghị/hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt năm 2019, Nhà trường đã phối hợp với Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE - Global) tổ chức Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật, kết cấu và kỹ thuật công trình (CIGOS 2019) thu hút hơn 200 đại biểu đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia công bố các kết quả nghiên cứu, giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần quan trọng giúp các nhà khoa học trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Ngoài ra, Trường đã thiết lập quan hệ với 47 doanh nghiệp và trường đại học nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Nga, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ và Hiệp hội 113 Viện Đại học Công nghệ (ADUIT) của Pháp… triển khai nhiều chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ giảng viên; tổ chức các hội nghị/hội thảo khoa học, tọa đàm trao đổi thông tin; cải tiến chương trình đào tạo; trao đổi sinh viên, tiếp nhận sinh viên thực tập…

Phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế uy tín trong nước và khu vực

Phát huy truyền thống đã đạt được, nhằm xây dựng Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu trong lĩnh vực GTVT, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường trọng điểm quốc gia theo hướng ứng dụng, đạt trình độ ngang bằng với các trường đại học có uy tín trong khu vực, một số nhóm giải pháp chính mà Trường cần thực hiện trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ gắn liền với chuyển đổi số: tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Trường theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành và hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở đào tạo, các đơn vị thuộc và trực thuộc Trường; tăng cường phân cấp quản lý, tiếp tục giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến các đơn vị để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu trong mỗi đơn vị, tổ chức. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nhân sự, KH&CN, đảm bảo chất lượng đào tạo, tài chính, cơ sở vật chất đến quản lý, điều hành… nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo, tạo lập thương hiệu, uy tín, tăng lợi thế cạnh tranh trong hoạt động đào tạo trong và ngoài nước.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên: phát triển các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội; lựa chọn các ngành có thế mạnh để xây dựng chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình liên kết với nước ngoài. Rà soát, chuẩn hoá, đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp; kết nối liên thông dọc, liên ngành, xuyên ngành có tích hợp công nghệ số. Xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến, từ xa để đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, theo lộ trình được cá nhân hóa cho phù hợp điều kiện, năng lực học tập của từng người học. Nâng dần quy mô đào tạo đại học do doanh nghiệp đặt hàng đạt 20-30% vào năm 2030 so với tổng số sinh viên đại học. Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên; tổ chức cho sinh viên tham gia thi sinh viên giỏi, olympic môn học, robocon và các cuộc thi trí tuệ, học thuật khác. Xây dựng cơ chế khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, công bố bài báo khoa học, tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm đào tạo của Nhà trường.

Thứ ba, tăng cường năng lực đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu và thu hút các giáo sư, nhà khoa học Việt kiều và quốc tế đến làm việc tại Trường: triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, trong đó chú trọng bồi dưỡng về năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng để có thể giải quyết các vấn đề KH&CN của ngành GTVT và của đất nước.

Nghiên cứu vận dụng các chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thu hút các cá nhân chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đến công tác tại Trường với các nhóm nghiên cứu mạnh và các khoa chuyên ngành.

Thứ tư, tăng cường tiềm lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo môi trường về học thuật, nghiên cứu tiệm cận với chuẩn quốc tế: tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn tài chính khác nhau cho hoạt động KH&CN; thành lập Quỹ phát triển KH&CN của Trường; quản lý, sử dụng nguồn tài chính theo nguyên tắc công khai, hiệu quả theo các quy định của pháp luật; tăng cường số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu bằng cách tăng kinh phí hỗ trợ gắn với việc khoán sản phẩm đầu ra là các bài báo quốc tế, các sản phẩm ứng dụng. Thành lập các tổ chức KH&CN trong Trường như Viện Nghiên cứu công nghệ đường sắt, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ với mục đích nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế để các nhà khoa học của Trường được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, công bố kết quả nghiên cứu. Phối hợp với AVSE-Global tổ chức thường niên Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật, kết cấu và kỹ thuật công trình (CIGOS), gắn với thương hiệu của Nhà trường, làm cơ sở để tổ chức các hội thảo quốc tế uy tín khác về các khối ngành khác của Trường. Xuất bản Tạp chí KH&CN Giao thông nhanh chóng tiệm cận với chuẩn quốc tế để công bố các kết quả nghiên cứu trong và ngoài trường.

Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu: hoàn thành việc mở rộng diện tích đất và quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại tại cơ sở đào tạo Hà Nội và Vĩnh Phúc để làm tiền đề xúc tiến xây dựng bổ sung giảng đường, nhà điều hành, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, cải tạo cảnh quan môi trường sư phạm, xây dựng, cải tạo khu ở nội trú sinh viên, nhà làm việc chuyên gia… Đầu tư hạ tầng ICT đáp ứng công nghệ dữ liệu lớn, Internet vạn vật và điện toán đám mây; đầu tư hệ thống phòng học thông minh, thư viện điện tử, không gian học tập, trải nghiệm và đổi mới sáng tạo để hướng tới một trường đại học thông minh trong tương lai.

Trong 75 năm qua, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã đào tạo trên 20 vạn cán bộ kỹ thuật cho ngành GTVT và đất nước, gần 300 cán bộ kỹ thuật cho 2 nước bạn Lào và Campuchia, cán bộ kỹ thuật là con em dân tộc của các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều học sinh, sinh viên của Trường đã trở thành cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ kỹ thuật giỏi, giữ cương vị lãnh đạo trong và ngoài ngành GTVT, các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất. Với những thành tích đã đạt được, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác… Đặc biệt nhân dịp Trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc miền Bắc, ngày 29/11/1961, Nhà trường được đón Bác Hồ về thăm và từ đó ngày 29/11 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Nhà trường        


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)