Theo Hiệp hội thử nghiệm và vật liệu Hoa Kỳ (ASTM), NDT được định nghĩa là sự phát triển và áp dụng các phương pháp kỹ thuật để kiểm tra tính đồng nhất, nguyên vẹn của các đối tượng theo những cách thức không làm ảnh hưởng đến tính năng sử dụng hay vận hành trong tương lai của các đối tượng này. Ngày nay, NDT đã trở thành một công cụ có một vai trò cốt tử (vital) trong bất kỳ một chương trình QA/QC nào trong các lĩnh vực công nghiệp. Các kiểm tra NDT là cần thiết để đảm bảo sự an toàn, độ tin cậy cho con người và sản phẩm.
Công nghiệp NDT trên thế giới
NDT tự nó đã là một ngành công nghiệp bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu - phát triển, các chuỗi cung ứng đầu dò cảm biến và máy móc/công cụ, cùng với đó là một khu vực cung ứng dịch vụ (kiểm tra/đánh giá). Theo số liệu ước tính từ Viện Kiểm tra không phá hủy Anh (BINDT) và ASTM, doanh số toàn cầu của công nghiệp NDT năm 2012 đạt 5,6 tỷ USD, đến năm 2019 đã tăng lên tới 16,72 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng trung bình tích lũy hàng năm khoảng 6,7%, doanh số này dự kiến sẽ đạt 24,65 tỷ USD vào năm 2025. Ước tính hiện có hơn 120 nghìn kiểm tra viên NDT đang hoạt động trên toàn thế giới.
Tại Anh, hàng ngày có hơn 25.000 công việc kiểm tra, giám định được thực hiện để phát hiện các khuyết tật và hư hại trong các sản phẩm, nhà máy và kết cấu. Số liệu thống kê cũng cho thấy, nhu cầu về NDT tăng nhanh, đặc biệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên là thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và đầy tiềm năng.
Tại Hoa Kỳ, NDT hiện được đánh giá là một nghề nghiệp có sức hấp dẫn lớn, với mức lương cao, độ ổn định công việc lớn (tỷ lệ thất nghiệp rất thấp) so với mặt bằng chung của toàn xã hội.
Lý luận và thực tiễn ứng dụng công nghiệp NDT trong gần một thế kỷ qua đều thống nhất rằng, vai trò của nguồn nhân lực NDT (cụ thể là trình độ) có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và hiệu lực của NDT. Do bản chất của các phương pháp NDT là gián tiếp, nên các cấp có thẩm quyền buộc phải đặt niềm tin vào kỹ năng, kinh nghiệm, sự đánh giá và tính nhất quán của cá nhân là những người tham gia trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, ngay từ những năm 60 thế kỷ XX, cộng đồng công nghiệp NDT đã bắt đầu xúc tiến xây dựng và phát triển các hệ thống đánh giá, chứng nhận cá nhân NDT cùng các chương trình đào tạo tương ứng. Đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đang vận hành song song hai hệ thống chính: 1) Hệ thống chứng nhận công ty (nội bộ) được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ dựa trên tiêu chuẩn SNT-TC-1A, và 2) Hệ thống chứng nhận trung tâm (độc lập) phổ biến tại châu Âu và nhiều quốc gia khác dựa theo tiêu chuẩn ISO 9712. Hai hệ thống chứng nhận có mục tiêu, yêu cầu, điều kiện về cơ bản là tương đồng nhưng cách thức thực hiện (chứng nhận) khác nhau, và mỗi hệ thống đều có những ưu, nhược điểm riêng, không có hệ thống nào là hoàn hảo hay vượt trội tuyệt đối. Đây là lý do giải thích xu hướng và yêu cầu ngày một tăng về việc hài hòa hóa và công nhận đa phương chứng chỉ NDT trên phạm vi toàn cầu.
Ứng dụng NDT tại Việt Nam
Tại Việt Nam, cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, các công nghệ và kỹ thuật NDT từ truyền thống đến hiện đại đã được ứng dụng phổ biến trong hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của quốc gia. Công nghiệp dầu khí, sản xuất năng lượng, sửa chữa và đóng tàu thủy, xây dựng cầu đường... là những lĩnh vực hàng đầu sử dụng các kỹ thuật NDT để kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của các sản phẩm/công trình. Chỉ tính riêng giai đoạn cuối năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù nền kinh tế toàn cầu và trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng các dự án công nghiệp trọng điểm vẫn tiếp tục được triển khai, do đó nhu cầu đào tạo về NDT không hề sụt giảm mà vẫn được duy trì ổn định, đặc biệt, ở một số thời điểm, nhu cầu đào tạo này có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt các công trình/dự án, từ xây dựng mới cho tới bảo dưỡng/sửa chữa đều liên tục tuyển dụng số lượng lớn nhân sự NDT, điển hình như Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, sân bay Long Thành, hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các trung tâm nhiệt điện lớn như Mông Dương, Vân Phong, Vĩnh Tân… kéo theo nhu cầu đào tạo nhân sự NDT tăng lên. Trong thời gian tới, với chủ chương của Chính phủ về việc “mở nút thắt” cho hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia về phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông và năng lượng, đồng thời đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài, thị trường NDT ở Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.
Cùng với sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã lựa chọn và áp dụng hệ thống chứng nhận độc lập NDT từ rất sớm thể hiện qua việc ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5868:1995 dựa theo tiêu chuẩn ISO 9712:1992 (phiên bản đầu tiên). Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan từ đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội, cho đến nay chưa có một tổ chức chứng nhận cá nhân NDT tại Việt Nam theo hệ thống độc lập này thực sự đạt “chuẩn” theo quy định thế giới và do đó chưa có được sự công nhận phổ biến. Điều này dẫn tới tình trạng mất cân đối trong việc đáp ứng sự đa dạng nhu cầu khi mà Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác đa phương, hội nhập sâu rộng cả trong khu vực và thế giới. Với việc tham gia ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, tới đây nhiều công trình/dự án công nghiệp được triển khai nên việc áp dụng hệ thống chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế là một tất yếu khách quan.
Phát triển nhân lực NDT theo chuẩn quốc tế
Là một lĩnh vực đặc thù, NDT luôn phát triển không ngừng, các phương pháp, kỹ thuật mới được ra đời, nhanh chóng củng cố hoặc thay thế các kỹ thuật truyền thống hoặc đã trở nên lạc hậu. Đi cùng với đó là sự cập nhật, bổ sung liên tục các tài liệu đào tạo và tiêu chuẩn, quy phạm liên quan không chỉ trong các thí nghiệm mà cả trong đào tạo và đánh giá nhân lực NDT. Điều đó đòi hỏi các đơn vị đào tạo phải không ngừng thay đổi, cập nhật, bổ sung những cái mới, hiện đại để bắt kịp với xu hướng phát triển của thế giới. Cùng với đó, việc đa dạng hóa trong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một yêu cầu khách quan của thị trường, trong đó xây dựng các chương trình đào tạo, đánh giá và chứng nhận nhân lực NDT không chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế mà còn phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia là một định hướng đúng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc xây dựng hệ thống tổ chức chứng nhận độc lập được thực hiện theo hướng bền vững, khả thi, trong đó ưu tiên hàng đầu là sớm hình thành và phát triển các cấu phần thiết yếu nhất của hệ thống, từ các cơ sở đào tạo, sát hạch/đánh giá, cho đến các ủy ban đánh giá chuyên môn phù hợp các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế. Đây là điều kiện có tính quyết định việc hình thành và duy trì bền vững một tổ chức chứng nhận NDT hoạt động có hiệu quả và hiệu lực. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tự đào tạo và không ngừng nâng cao nguồn nhân lực thông qua việc hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đáp ứng các hoạt động chuyên môn trong quá trình thực hiện kiểm tra NDT, cũng như tiếp cận được các công nghệ mới nhất và xu hướng nghiên cứu liên quan tới NDT. Bên cạnh đó, để có nguồn nhân lực NDT có chất lượng, cần tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, các bộ mẫu phục vụ thực hành và đánh giá/kiểm định…
Thị trường NDT khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, đang là thị trường có tốc độ phát triển mạnh nhất bởi các quốc gia mới nổi có nền kinh tế sôi động, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa tăng cao không chỉ trong 5 năm tới mà có thể trong nhiều năm sau. Do đó, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực NDT có trình độ được chuẩn hóa, đủ năng lực tác nghiệp chuyên môn tại các công trình công nghiệp trọng điểm của đất nước là điều kiện cần thiết để Việt Nam hội nhập và phát triển.