Thứ năm, 20/08/2020 15:03

Thảo quả Vị Xuyên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thảo quả “Vị Xuyên” (Hà Giang). UBND huyện Vị Xuyên là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Thảo quả - “nữ hoàng” của các loại gia vị

Thảo quả có tên khoa học là Amomum aromaticum Roxb, thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Có hai loại thảo quả là thảo quả đỏ và xanh. Cây Thảo quả sống lâu năm, cao 2-3 m, thân rễ to, phân cành, mọc thành cụm, có nhiều ngấn ngang, màu hồng, phủ bởi những vảy mỏng, đường kính 2,5-4 cm, mùi thơm. Thảo quả có nguồn gốc ở vùng cận Himalaya, thuộc đông bắc Ấn Độ và Nepan, loài cây này cũng mọc tự nhiên ở vùng tây nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XVIII, Thảo quả đã được phát hiện là một loại cây cho sản phẩm quý nên đã được người dân vùng núi cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang trồng và chăm sóc. Thảo quả được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn. Nhờ đặc tính vừa thơm, vừa ngọt lại cay, thảo quả được coi là "nữ hoàng" của các loại gia vị và rất có lợi cho sức khỏe. Loại thảo dược này có hàm lượng các chất carbohydrate, protein, chất xơ, các vitamin, niacin, pyridoxine, riboflavin, thiamin... rất phong phú nên từ lâu đã được sử dụng như một vị thuốc.

Ở Hà Giang, cây Thảo quả được người dân vùng cao của huyện Vị Xuyên trồng dưới tán rừng tự nhiên từ khoảng 30 năm nay và được coi là “cây vàng đỏ” mà họ đang cất giữ trong rừng. Trong 15 năm trở lại đây, cây Thảo quả trên địa bàn huyện đã trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Do đó, thảo quả đã trở thành cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở vùng cao.

Những yếu tố tạo nên tính đặc thù của Thảo quả Vị Xuyên

Thảo quả Vị Xuyên được trồng ở các xã Cao Bồ, Phương Tiến, Thượng Sơn, Quảng Ngần, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Kim Linh thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là vùng cao dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh, có địa hình phức tạp thuộc khối núi granit thượng nguồn sông Chảy, độ cao trung bình trên 1.300 m so với mực nước biển, mức độ chia cắt lớn và độ dốc 40-45o.  Vùng này có nhiệt độ trung bình năm <16oC, độ ẩm trung bình 81-86%, lượng mưa trung bình là 1.744,6 mm, mưa phùn từ 4,9 đến 10,4 ngày/tháng vào những tháng ít mưa.

Với nền nhiệt thấp, lượng mưa cao, là một trong những vùng có số ngày mưa nhiều nhất ở Việt Nam, đặc biệt mưa nhiều vào tháng 5 và 6, khi thảo quả ra hoa, vì thế số lượng quả ít hơn so với các nơi khác, nhưng quả to và đỏ mọng, đồng đều hơn và không có hạt lép. Đất trồng thảo quả ở Vị Xuyên là đất mùn vàng đỏ trên đá granit và đất mùn vàng nhạt trên núi cao. Đất thuộc loại chua đến ít chua, độ pHKCl trung bình là 4,2. Hàm lượng chất hữu cơ tầng mặt, lân, kali rất giàu (tương ứng là 52,52%, 48,07 mg/100 g đất và 50,32 mg/100 g đất). Thảo quả Vị Xuyên được trồng dưới tán rừng, có nhiều cây gỗ lá rộng, thường xuyên che bóng. Do đó, đất trồng thảo quả Vị Xuyên giữ được tầng thảm mục có độ dày đáng kể (20-40 cm, càng lên cao độ dày tầng thảm mục càng lớn. Tầng thảm mục là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của thảo quả.

Cây và quả Thảo quả

Nhờ khu vực địa lý có những đặc thù nêu trên nên thảo quả Vị Xuyên to, mọng, có lớp vỏ và cùi quả dày, chắc và không có hạt lép. Vỏ quả màu nâu nhạt, đều, nổi rõ các đường gân chạy dọc, mặt trong vỏ sáng bóng. Thảo quả có mùi thơm tự nhiên, vị cay ngọt, dễ chịu. Hàm lượng Protein thô ≥5,67%, hàm lượng tinh dầu ≥1,99% (cao hơn thảo quả ở một số khu vực khác), hàm lượng axit tổng số ≥0,71%, hàm lượng tro ≥5,03% và khô, độ ẩm ≤14,39%.

Bên cạnh sự phù hợp về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm và truyền thống của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên danh tiếng của thảo quả Vị Xuyên. Ở Vị Xuyên, người dân đã xây dựng các hương ước, quy ước và có sự kiểm tra, giám sát chéo giữa các hộ trong việc giữ rừng và bảo vệ vườn Thảo quả nên Thảo quả được thu hoạch đúng thời vụ, đảm bảo chín già và cho chất lượng tốt nhất. Đồng thời, trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, người dân hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhờ vậy sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

CM

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)