Thứ hai, 20/07/2020 13:58

Lĩnh vực Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 401-500 đại học học tốt nhất trên thế giới

Hoài Hương

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổ chức xếp hạng đại học ShanghaiRanking Consultancy (Trung Quốc) vừa công bố bảng xếp hạng 500 đại học tốt nhất thế giới theo lĩnh vực năm 2020 (Global Ranking of Academic Subjects 2020 – GRAS 2020). Theo đó, ngành Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có thứ hạng trong nhóm 401-500, đứng thứ nhất tại Việt Nam với số điểm Q1 (năng lực công bố khoa học trong nhóm Q1 - danh sách các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc hệ thống ISI) với số điểm là 19,4.

Ngành Vật lý của ĐHQGHN có thứ hạng trong nhóm 401-500, đứng thứ nhất tại Việt Nam (nguồn: shanghairanking)

ShanghaiRanking Consultancy là tổ chức nghiên cứu và tư vấn giáo dục đại học độc lập, xếp hạng tự động và bắt đầu công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới với tên gọi phổ biến là Academic Ranking of World Universities (ARWU) từ năm 2009. Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất theo lĩnh vực năm 2020 (GRAS - 2020) xếp hạng cho hơn 4.000 cơ sở giáo dục đại học thế giới thuộc 54 ngành chia ra 5 nhóm ngành (bao gồm Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật; Khoa học sự sống; Y khoa; Khoa học xã hội). Để được xếp hạng trong bảng GRAS - 2020, các cơ sở giáo dục cần đạt được số lượng ấn phẩm bài báo nhất định tùy theo ngành/lĩnh vực trong giai đoạn 5 năm (2014 - 2018). Dữ liệu bài báo được thu thập từ nguồn Web of Science và InCites. Đối với ngành Vật lý, cơ sở giáo dục cần đạt ngưỡng 300 bài báo để đủ điểu kiện được xếp hạng.

Các bảng xếp hạng của tổ chức ShanghaiRanking Consultancy đều là các bảng xếp hạng tự động, trong đó các dữ liệu xếp hạng được thu thập từ các nguồn độc lập do bên thứ ba cung cấp mà không sử dụng dữ liệu do các cơ sở giáo dục được xếp hạng cung cấp. Đối với bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực, các chỉ số đánh giá đều là các chỉ số liên quan tới nghiên cứu khoa học (số lượng, chất lượng bài báo, chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học…).

Bảng 1. Các chỉ số xếp hạng của GRAS - 2020.

Chỉ số

Định nghĩa

Q1

Số lượng bài báo của ngành/lĩnh vực thuộc nhóm Q1 trên Web of Sciences (ISI).

CNCI

Chỉ số trích dẫn chuẩn hóa của ngành/lĩnh vực (CNCI) được thu thập từ InCites nhằm đo lường tác động của nghiên cứu.

IC

Tỷ lệ % bài báo có đồng tác giả quốc tế của cơ sở giáo dục đối với ngành/lĩnh vực được đánh giá.

Top

Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí được xếp hạng theo khảo sát của ShanghaiRanking’s Academic Excellence Survey.

Trước đó, đầu tháng 3/2020, Tổ chức xếp hạng QS (Vương quốc Anh) đã công bố kết quả xếp hạng theo lĩnh vực khoa học năm 2020 của các cơ sở giáo dục đại học toàn cầu. Theo đó, lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học (Physics and Astronomy) của ĐHQGHN được xếp trong nhóm 551-600 thế giới, số 1 ở Việt Nam (lĩnh vực này năm 2019 cũng xếp số 1 Việt Nam và trong nhóm 501-550 thế giới). Bên cạnh đó, hai lĩnh vực khác của ĐHQGHN là Toán (Mathematics) lần đầu tiên được xếp hạng với vị trí trong nhóm 401-450 thế giới, số 1 Việt Nam; lĩnh vực Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin (Computer Science & Information systems) được xếp trong nhóm 501-550 thế giới, thứ 2 ở Việt Nam, có cải thiện so với năm 2019 (khi lĩnh vực này được xếp trong nhóm 551-600).

Cán bộ Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) làm việc trên máy tạo màng mỏng bằng chùm xung điện tử (Pulsed Electron Deposition, Model P120, Neocera, Mỹ)

Trước thông tin lĩnh vực Vật lý của ĐHQGHN trong nhóm 401-500 của bảng xếp hạng GRAS - 2020, GS.TS Bạch Thành Công - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, nguyên Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) bày tỏ: “Đây là đánh giá khách quan cho sự cố gắng liên tục của ngành Vật lý thuộc ĐHQGHN. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và được khích lệ khi được một tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao. Kết quả này đạt được không chỉ nhờ sự nỗ lực của riêng ngành Vật lý thuộc ĐHQGHN mà còn có sự đóng góp và cộng tác từ nhiều đơn vị đào tạo - nghiên cứu Vật lý mà Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN hợp tác”.

Ngành Vật lý của ĐHQGHN cũng như Khoa Vật lý của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) trong hàng chục năm qua đã có nhiều đổi mới: Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng cập nhật những chương trình tiên tiến của thế giới, cán bộ giảng dạy được gửi đi đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế, thu nhận cán bộ giảng dạy là những người tốt nghiệp tiến sỹ loại giỏi ở nước ngoài về (rất nhiều cán bộ của Khoa Vật lý tốt nghiệp từ những trường đại học nổi tiếng trên thế giới). Trong số 77 cán bộ của Khoa, 55 người có trình độ tiến sỹ. Mặc dù điều kiện vật chất còn khiêm tốn, nhưng Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên luôn cố gắng tạo điều kiện học tập, thực hành, hướng nghiệp tốt nhất cho sinh viên. Bên cạnh các ngành đào tạo uy tín cao (như Vật lý, Khoa học Vật liệu, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân), Khoa Vật lý (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) còn mở những ngành mới như ngành “Kỹ thuật điện tử và tin học” để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời đại công nghiệp 4.0.

Mỗi năm, cán bộ Khoa Vật lý (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) có khoảng 100 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, đạt nhiều lượt trích dẫn. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cùng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực là những thế mạnh nổi bật của ngành Vật lý thuộc ĐHQGHN nói chung, Khoa Vật lý (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng). Điều này rất quan trọng tạo nên chất lượng đào tạo quốc tế, khiến ngành Vật lý thuộc ĐHQGHN có thứ hạng cao trong Bảng xếp hạng đại học thế giới và đứng thứ nhất tại Việt Nam.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)