Nghèo đói và bất bình đẳng trong khu vực ASEAN đã ở mức cao khi Đại dịch COVID-19 tấn công các nền kinh tế và xã hội càng cần nhiều nguồn lực công hơn để đầu tư vào an sinh xã hội và y tế toàn dân. Việc thu thuế và chi tiêu lũy tiến là những cách hiệu quả nhất để chống lại nghèo đói và giảm bất bình đẳng trong xã hội. Tuy có mức tăng trưởng bền vững trong nhiều thập kỷ và thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nước ASEAN vẫn thu được số tiền thuế thấp. Các quốc gia trong khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên, các chính phủ lại đang mất đi số tiền đáng kể này thông qua các chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những khoản thu bị bỏ lỡ đó hiện đang rất quan trọng để trang trải phần lớn chi tiêu ngân sách cho COVID-19. Các nước ASEAN cần cải thiện huy động nguồn thu nội địa để vượt qua các thách thức liên quan như biến đổi khí hậu, gia tăng bất bình đẳng và mức độ nghèo đói cao trong khi phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với tổ chức Oxfam, Prakarsa, TAFJA và Action Aid Myanmar thực hiện nghiên cứu: “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN - Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”. Mục tiêu chính của nghiên cứu là rà soát các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại khu vực ASEAN, từ đó đưa ra các tham vấn chính sách về vấn đề này.
VEPR trân trọng kính mời quý vị đại biểu tham dự hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN - Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” với thời gian và địa điểm như sau:
Thời gian: 14h00-17h00, thứ Năm, ngày 25 tháng 6 năm 2020.
Địa điểm: Phòng Orchid, Khách sạn The Hanoi Club - 76 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.