Chủ nhật, 31/05/2020 10:26

Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Đà Nẵng: 15 năm hình thành và phát triển

Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TP Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 547/QĐ-BKHCN ngày 25/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Trải qua 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Đà Nẵng đã và đang là cánh tay nối dài của Cục SHTT, góp phần quan trọng vào việc nâng cao công tác quản lý, bảo hộ và thực thi quyền SHTT, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển hoạt động SHTT và sáng tạo trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí (ngoài cùng bên phải) trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho tập thể cán bộ Văn phòng

Nhận thức chung về SHTT ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào cộng đồng

Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Đà Nẵng (Văn phòng) được thành lập theo Quyết định số 547/QĐ-BKHCN ngày 25/3/2005 của Bộ trưởng Bộ KH&CN và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/5/2005. Văn phòng là đơn vị trực thuộc Cục SHTT, có chức năng giúp Cục trưởng thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và sáng kiến trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên). Sự ra đời của Văn phòng thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của lĩnh vực SHTT gắn liền với xu thế phát triển kinh tế - xã hội vùng của các cấp lãnh đạo qua các thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

Miền Trung - Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên không thuận lợi như địa hình trải dài, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt... Vì vậy, kinh tế kém phát triển hơn so với hai đầu đất nước với số lượng doanh nghiệp còn ít và quy mô nhỏ lẻ. Từ đó, nhận thức chung về SHTT trong khu vực cũng thấp hơn so với cả nước. Trong khi đó, nguồn nhân lực của Văn phòng Miền Trung - Tây Nguyên lại rất hạn hẹp (chỉ có vẻn vẹn 5 người, bao gồm 1 lãnh đạo, 1 phụ trách kế toán và 3 chuyên viên). Vượt qua những khó khăn, thử thách nêu trên, tập thể Văn phòng đã nỗ lực trong mọi công việc và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhất là trong công tác tuyên truyền - đào tạo, hỗ trợ các cơ quan địa phương về lĩnh vực SHTT và tư vấn - tiếp nhận đơn sở hữu công nghiệp (SHCN).

Số lượng lớp tập huấn, đào tạo được Văn phòng thực hiện đã tăng gấp 7,5 lần kể từ khi thành lập (15 lớp được tổ chức chỉ tính riêng trong năm 2019), đặc biệt nâng cao về chất lượng trong 3 năm gần đây. Các buổi tuyên truyền và hội thảo với nhiều chủ đề phù hợp cho từng đối tượng khác nhau được tổ chức thường xuyên như  “Tầm quan trọng của SHTT đối với doanh nghiệp khởi nghiệp”, “Tài sản trí tuệ và vấn đề xác lập quyền”, “Quyền SHTT và quản lý quyền SHTT trong trường đại học”, “Quyền SHTT trong giáo dục”, “Sinh viên với quyền SHTT”... nhận được sự quan tâm tham dự và đánh giá cao về chất lượng nội dung. Hàng năm, Văn phòng đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về SHTT dành riêng cho đối tượng là sinh viên các trường đại học trong khu vực với nội dung thiết thực, gần gũi và hình thức tổ chức sinh động, trẻ trung. Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền khác cũng được Văn phòng triển khai nhằm đa dạng hóa về hình thức và tăng khả năng tiếp cận của công chúng như các cuộc thi tìm hiểu về SHTT, treo băng rôn - áp phích tuyên truyền về SHTT, truyền thông báo chí… Qua đó, nhận thức chung về SHTT ngày càng lan tỏa, thấm sâu vào cộng đồng, đặc biệt đối với tầng lớp trí thức trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Sự gia tăng lượng đơn đăng ký quyền SHCN của các tổ chức, cá nhân tại 14 tỉnh thành Miền Trung - Tây Nguyên trong những năm qua là minh chứng sống động về sự nâng cao nhận thức chung trên địa bàn, chỉ tính riêng năm 2019, tổng lượng đơn đăng ký toàn bộ khu vực là 2.856 đơn, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2005 (khi Văn phòng được thành lập).

Nâng cao công tác quản lý, bảo hộ và thực thi quyền SHTT

Hỗ trợ địa phương là một trong những hoạt động được Văn phòng đặc biệt chú trọng như thường xuyên cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc, hướng dẫn chuyên môn trong lĩnh vực SHTT; tư vấn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động SHTT và sáng kiến… Từ năm 2016 đến nay, Văn phòng đã tham gia tư vấn, đánh giá cho hàng chục Dự án phát triển tài sản trí tuệ của địa phương (sâm Ngọc Linh, tỏi Lý Sơn, Huế - Kinh đô ẩm thực, Hương xưa Làng cổ Phước Tích, Hương trầm Thủy Xuân, lợn Kiềng Sắt, bò vàng A Lưới...) và hỗ trợ các địa phương trong công tác tham mưu các chính sách SHTT trên địa bàn. Từ đó góp phần đáng kể vào sự phát triển ngày một sâu rộng hơn trong các hoạt động về SHTT của khu vực. Vai trò và uy tín của Văn phòng vì vậy ngày càng được các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở địa phương đánh giá cao.

Với những đặc thù riêng của khu vực như đã nêu, lượng đơn đăng ký bảo hộ SHCN được nộp qua Văn phòng tuy thấp hơn so với các điểm nhận đơn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng có xu hướng tăng dần theo thời gian, đặc biệt trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng cao hơn trước. Cụ thể năm 2006, Văn phòng mới chỉ tiếp nhận 350 đơn trực tiếp thì đến năm 2015 tổng lượng đơn tiếp nhận trực tiếp là 1.005 đơn (gấp 2,9 lần năm 2006) và đến năm 2019 đã tăng lên thành 1.510 đơn (gấp 4,3 lần năm 2006). Số tiền phí, lệ phí SHCN thu được cũng ngày một gia tăng tương ứng với số lượng đơn nhận được, theo đó, tổng số phí và lệ phí thu được trong năm 2006 khoảng  215 triệu đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên trên 625, 6 triệu đồng (gấp 2,9 lần năm 2006) và năm 2019 đạt trên 1,7 tỷ đồng (gấp 8 lần năm 2006). Công tác tư vấn thủ tục xác lập quyền SHCN được thực hiện thường xuyên (tổng lượt tư vấn tăng gần 4 lần so với năm 2006).

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Văn phòng đã đạt được, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về nhân lực, cũng như những thách thức do đặc thù riêng của khu vực so với các địa phương khác ở hai đầu đất nước, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết, Cục SHTT đang ở trong giai đoạn tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, do vậy các Văn phòng đại diện cũng cần chuyển động theo hướng phát triển công tác tuyên truyền đào tạo trên địa bàn, đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ, tư vấn, cũng như phối hợp thật tốt với các Sở KH&CN, các cơ quan quản lý thị trường, cơ quan hải  quan... để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Trước những cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực SHTT trong xu thế phát triển mới, Cục trưởng đề nghị Văn phòng cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình, tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trở thành điểm đầu mối chiến lược, chủ động, sáng tạo nắm bắt tình hình khu vực, giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc và đưa ra những đề xuất về chính sách SHTT phù hợp với nhu cầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn trao tặng Giấy khen của Cục SHTT cho các cá nhân của Văn phòng nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Văn phòng đã dần khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy hoạt động SHTT, tạo nên những khởi sắc mới cho bức tranh toàn cảnh của khu vực này, nỗ lực đưa miền Trung - Tây Nguyên vươn lên từ vị trí “vùng lõm” trên bản đồ SHTT, cùng đồng hành và phát triển với các vùng miền khác của cả nước.

Ngô Phương Trà

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)